Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

PHỤC SINH SẮC MÀU THỔ CẨM LÀNG CIL

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con DTTS Tây Nguyên. Ảnh N

Dự án “Hỗ trợ phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống” thôn Đam Pao - xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện được hơn 3 năm nay. Đây là dự án phát triển làng nghề đầu tiên tại huyện Lâm Hà được triển khai dành cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người dân địa phương.





Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ rất lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của buôn làng người Cil ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Qua thời gian, mặc dù nghề dệt thổ cẩm ít nhiều bị mai một, nhưng với ý thức gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống, những nghệ nhân nơi đây vẫn đang dày công truyền lại cho con cháu. Đến nay, thôn Đam Pao cũng là buôn làng duy nhất trong cộng đồng các dân tộc anh em huyện Lâm Hà còn giữ được nét đặc trưng của một làng nghề dệt thổ cẩm. Với sự tinh xảo và điêu luyện trong từng sản phẩm, thổ cẩm của họ đã được nhiều người ưa chuộng. Bây giờ, trong các dịp lễ hội của buôn làng, cũng như của địa phương, những con em đồng bào Cill nơi đây vẫn khoác lên mình những bộ đồ thổ cẩm truyền thống sặc sỡ của buôn làng mình. Đó là tín hiệu vui trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của con em đồng bào Cil ngày nay. Già làng Kơ Să Ha Đông ở thôn Đam Pao chia sẻ: “Mình rất vui khi nhìn thấy con cháu mình bây giờ nó lại dệt (cái) thổ cẩm của cha ông mình. Ngày xưa, thổ cẩm là thứ rất quan trọng đối với đời sống của bà con, nó không chỉ được dệt để sử dụng trong gia đình mà nó còn là vật phẩm quý giá trong lễ cưới hỏi, là sản phẩm để trao đổi các vật dụng khác như chiêng, ché, gùi… Mình hy vọng con cháu mình sau này vẫn mãi duy trì được nghề truyền thống dệt thổ cẩm của cha ông để lại”.

Niềm đam mê đã được truyền lại từ những nghệ nhân đi trước, nên từ nhỏ các bé gái người Cil của làng nghề đã sớm quen với khung dệt. Đặc biệt, từ khi có dự án đầu tư khôi phục làng nghề của chính quyền địa phương, đã mang lại niềm vui và hy vọng về một tầm vóc lớn lao hơn của nghề dệt thủ công truyền thống. Từ khi mới triển khai chỉ có 99 hộ đăng ký tham gia, đến nay đã có gần 150 hộ tham gia với số thợ dệt trên 200 người, trong đó có gia đình cả 3 thế hệ đều tham gia dệt. Về làng Cill bây giờ, không ít thiếu nữ 13 - 14 tuổi bằng đôi tay khéo léo đang say sưa ngồi dệt bên khung cửi với lòng tự hào về những sản phẩm do mình làm ra. Em Bon Dâng K’Gát - 14 tuổi, một người con của đồng bào Cill thôn Đam Pao cho biết: “Em được bà ngoại và mẹ dạy cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Em rất thích dệt và mặc những bộ đồ thổ cẩm trong những dịp lễ, hội. Em mong muốn nghề dệt thổ cẩm của làng em ngày càng phát triển hơn nữa”.

Khi Dự án “Hỗ trợ phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống” thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn chính thức được UBND huyện Lâm Hà triển khai với nguồn kinh phí 120 triệu đồng, nhiều lao động nữ đã trở về gắn bó với làng nghề. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thổ cẩm truyền thống gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Thế nhưng, tín hiệu vui chưa thực sự khởi sắc thì những thách thức trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề đang là nỗi trăn trở lớn đối với chính quyền địa phương cũng như của các chủ nhân làng nghề này. Với số vốn đầu tư quá ít ỏi và ngắt quãng, cộng với thị trường tiêu thụ bấp bênh đã khiến cho cuộc sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn, nên dù rất tâm huyết với nghề, nhưng là những lao động chính trong gia đình chị em vẫn chủ yếu phải lao động bằng nghề khác để kiếm sống, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để dệt. Vì thế, để bảo tồn còn quá khó, nói gì đến việc mở rộng và phát triển làng nghề. Trao đổi thêm với chúng tôi những trăn trở về làng nghề, ông Rơ Ông Hòa - PCT UBND xã Đạ Đờn tâm sự: “Tuy đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nhưng nghề dệt thổ cẩm nơi đây cũng chưa phát triển được do nhiều nguyên nhân khác nhau như, công tác giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng còn hạn chế, đầu ra không có, thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm thấp hơn so với làm nông tại địa phương nên người dân không mặn mà lắm với nghề truyền thống này… Tuy vậy nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền vận động để bà con tham gia dệt và sử dụng đồ thổ cẩm nhằm gìn giữ nghề truyền thống của buôn làng mình. Tôi hi vọng trong thời gian tới có đơn vị nào đó đứng ra thu mua, giới thiệu quảng bá để đưa sản phẩm thổ cẩm người dân Đam Pao đến với khách hàng, giúp người dân có thu nhập ổn định và sống được với nghề”.
  
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cũng như hỗ trợ của Nhà nước, hy vọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân Đam Pao sẽ mãi trường tồn, góp phần đáng kể vào công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Qua đó cũng góp phần bảo tồn phát huy và làm phong phú, đa dạng thêm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên trong thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

DUY NGUYỄN

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Làng nghề dệt thủ công mỹ nghệ ở Đà Lạt


det-tho-cam-thu-cong

Dệt Thổ Cẩm Thủ Công





Làng nghề dệt thủ công mỹ nghệ ở Đà Lạt

Lâm Ðồng từng được biết đến với các sản phẩm dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trước đây chỉ là nhà ai dệt nhà nấy có chứ chưa hình thành các làng nghề dệt thổ cẩm như hiện nay. Có tiếng tăm ở Lâm Ðồng bây giờ là hai làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơ C (xã Lát – Lạc Dương) và làng nghề K’Long (xã Hiệp An – Ðức Trọng).


Lâm Ðồng từng được biết đến với các sản phẩm dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số.Tuy nhiên trước đây chỉ là nhà ai dệt nhà nấy có chứ chưa hình thành các làng nghề dệt thổ cẩm như hiện nay. Có tiếng tăm ở Lâm Ðồng bây giờ là hai làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơ C (xã Lát – Lạc Dương) và làng nghề K’Long (xã Hiệp An – Ðức Trọng). Các mặt hàng dệt này tuy chưa có điều kiện xuất đi nhiều ở thị trường các nước nhưng cũng không còn trong phạm vi hạn hẹp như trước đây là chỉ có đồng bào dân tộc ít người mới sử dụng những sản phẩm do chính tay họ làm ra, mà hầu như mọi người dân Lâm Ðồng đều đã dần cảm thấy thích thú khi mua sản phẩm này và dùng chúng một cách có ích. Mỗi một người khi đi ngang qua quầy hàng thổ cẩm đều không khỏi dừng chân nán lại nhìn ngắm và mua lấy một hoặc một vài kiểu giỏ xách tay, ví, bóp đầm, băng đô,… với sự phối màu rất lạ mắt, tinh tế và hấp dẫn người mua hàng. Hiện đã dần có ngày càng nhiều các quầy hàng thổ cẩm được bày bán ở các điểm tham quan du lịch như Thung lũng Tình yêu, Langbiang, Thác Prenn, hồ Than Thở,... Ngoài ra, tại các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh và cả ngoài tỉnh du khách cũng nhận thấy mặt hàng này được sử dụng làm khăn trải bàn, làm vật trang trí càng tăng thêm vẻ sinh động cho không gian nơi làm việc và sinh hoạt.

det-tho-cam

Các làng nghề thủ công mỹ nghệ


Làng nghề dệt thổ cẩm K’Long, xã Hiệp An, huyện Ðức Trọng, cách Ðà Lạt khoảng 20 km về phía Nam hiện do Cha Nguyễn Ðình Phúc quản lý, thuộc loại hình cơ sở dạy nghề với 40 công nhân theo học và sản xuất, trong đó bộ phận dệt là 14 chị, may là 20 chị và thêu là 6. Các chị cho biết mỗi một buổi có thể dệt được một tấm vải dài 90 mét khổ 2 tấc dùng làm khăn quàng cổ, caravate, túi xách tay hoặc quần áo,…mẫu mã đa dạng, rất đẹp mắt. Các mặt hàng ở đây luôn ổn định về chất lượng, được biết mỗi năm có thể xuất một lần ra nước ngoài, năm 2003 xuất đi Ý đạt 1000 USD. Mới chỉ hơn 02 năm thành lập nhưng làng nghề K’Long đã tạo được nhiều ấn tượng tốt cho người dân Lâm Ðồng, Tây Nguyên nói riêng và người dân cả nước nói chung; tạo được công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, các chị có nghề nghiệp vừa làm tăng thu nhập cho gia đình lại vừa góp phần cho sự phát triển mặt hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng và cho nền kinh tế tỉnh nhà nói chung.

tho-cam

Một làng nghề cũng được du khách rất quan tâm đó là làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơ C, không thuận lợi như làng nghề K’Long là nằm ngay quốc lộ 20, nhưng B’Nơ C lại là vùng thuộc khu du lịch Langbiang, là nơi du khách rất thường xuyên lui tới, tham quan và mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng thổ cẩm với nhiều mẫu mã đa dạng làm mê mẩn lòng người. Chị K’ Tuyn, người được công nhận là nghệ nhân trong nghề, cho biết với 40 hộ làm nghề thì có 35 người dệt chính, có khả năng cung cấp sản phẩm thường xuyên, còn lại những thợ phụ là các em học sinh hoặc phụ nữ lớn tuổi. Hầu hết các chị vừa làm nghề dệt lại vừa làm nội trợ và làm cả việc nương rẫy nhưng năng suất vẫn rất cao. Mỗi người có thể dệt một tấm vải dài 2m khổ 55cm/ ngày và 02 tấm vải 55cm sẽ thành một tấm ui cho phụ nữ K’Ho mặc hàng ngày. Hoa văn, màu sắc cũng đặc trưng không kém gì các mặt hàng thổ cẩm của những làng nghề khác. Làng nghề B’Nơ C cũng đã tham gia một vài hội chợ trong nước nên đã gây được ấn tượng đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.

handicraft

Bên cạnh mặt hàng thổ cẩm thì mây tre đan, tranh thêu tay trên lụa, đan len, hoa tươi sấy khô,…cũng là những thế mạnh đặc trưng của Lâm Ðồng. Công ty TNHH XQ, HTX mỹ nghệ Hữu Hạnh nổi tiếng với mặt hàng thêu tay, tổ hợp tác đan len Trưng Vương (chợ lầu A – Ðà Lạt) được biết đến qua những mẫu mã sản phẩm len đẹp mắt và có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước, một cảm giác ấm áp mỗi khi mặc chiếc áo len trong mùa Nô - en khiến mọi người cảm thấy được che chở, bao bọc vừa ấm cúng lại rất thời trang. Xưởng hoa khô Minh (04 Hồ Tùng Mậu, Ðà Lạt) trưng bày nhiều mẫu hoa đẹp đến lạ lùng, lúc thì tươi tắn như nụ cười của cô gái vừa chớm tuổi đôi mươi, khi thì lại buồn bã, trầm lắng như vẻ một người thiếu phụ, mỗi bình hoa, mỗi bức tranh hoa là một nét đặc sắc làm thích thú biết bao du khách và cả người dân địa phương vẫn hằng ngày qua lại.

Ðà Lạt – với phong cảnh hữu tình lại được tô điểm thêm bởi những nét truyền thống đặc trưng qua những sản phẩm làng nghề độc đáo. Ðà Lạt tuy là xứ lạnh nhưng luôn muốn làm ấm lòng du khách thập phương.




Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Có một thị trường thổ cẩm



Hãy cứ đến những nhà hàng, khách sạn có phục vụ người nước ngoài tại Đà Lạt chúng ta khắc biết sức sôi động của mặt hàng này (tuy nhiên ở vùng khai sinh ra nó đang báo động mai một - đây lại là một bình diện khác). Thổ cẩm được mang vào phục vụ khách ngay tại bàn ăn. Chúng tôi đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh ngoại khách bỏ ăn đứng lên lấy cho mình một tấm thổ cẩm, ngắm nghía, tung ra, quấn quanh người rồi nở nụ cười lý thú kỳ lạ. Thổ cẩm thôi miên họ? 

THƯƠNG GIA THỔ CẨM LÀ AI?

Một cái gùi để đựng, một trang phục may bằng chính loại vải người ta đang bán, họ mang đi khắp các đường phố trung tâm Đà Lạt. Theo thống kê của chúng tôi, hiện tại Đà Lạt có khoảng 25 người chuyên dạo bán. Dù bán lưu động nhưng khách muốn mua có thể tìm gặp họ dễ dàng. Tiện nhất là khu Hòa Bình
Đại đa số thương gia thổ cẩm là người của dân tộc có thổ cẩm lưu hành tại đây: Chàm, Mạ, Lạch, K'Ho... đông nhất là người Chàm. Trước đây người ta dệt rồi tự mang đi bán. Trung bình một tấm thổ cẩm hoàn hảo phải qua 7-9 ngày, nếu loại dùng để cưới hỏi, lễ hội, đòi hỏi gia công nhiều hơn. Đôi khi nuốt trọn cả tháng. Bấy giờ người ta gom lại đôi ba cái rồi mang lên Đà Lạt đổi gạo, mua sắm. Hôm nay đã khác. Cái kiểu mang để đổi gạo, thực phẩm không còn phổ biến. Thổ cẩm chuyển sang khía cạnh thương mại. Trong các buôn làng xuất hiện các thương gia chuyên mua gom hàng thổ cẩm của dân tộc mình để bán lại kiếm lời. Thậm chí, các thương gia đặt hàng cho người ta dệt. Các cánh người Chàm có cả hợp đồng giao trong tháng. 
Trong số trên 20 người bán mặt hàng này tại Đà Lạt, chiếm phần nửa là người Chàm. Theo tương truyền thì người Chàm rất rành về thương mại. Họ từng là chiếc cầu nối hàng hóa giữa các dân tộc thiểu số Nam Tây nguyên. Hiện nay họ đến từ Phan Rang (vùng Chung Mỹ) Ninh Thuận. Bên cạnh số đông thương gia người thiểu số thì gần đây cũng thấy xuất hiện một số người Kinh buôn hàng này. Tuy nhiên, dù cho họ là người dân tộc nào đi nữa cũng đều phải dùng gùi để gùi hàng. Để bán "chạy" tốt nhất, nên khoác trên mình một trang phục bằng thổ cẩm truyền thống, một cái gùi và có một làn da đen. 
Những thương gia này nằm dầm ở Đà Lạt; hàng được dự trữ khá nhiều, ít ra đủ bán trong một tháng. Lãnh địa của họ là nhà nghỉ Tuyết Mai (NVT), Lữ Quán La Tuylip và một số ít đóng ở căn nhà ván thuê bao ở đường Bà Triệu. Họ quy cả về đây. Các khách "ghiền" thổ cẩm thường được dẫn tới những địa chỉ này.  

SỰ SÔI ĐỘNG CỦA MỘT MẶT HÀNG

Các thương gia thổ cẩm đều "thủ" một cuốn album, trong đó ghi lại từng khâu để cho ra đời một tấm thổ cẩm. Để khách hình dung được công việc dệt thứ vải này - sản phẩm được làm bằng tay - BY-HAND. Chẳng hạn, hình ảnh của một thiếu nữ đang ngồi dệt, bên cạnh khung dệt thô sơ, với bộ vú hoang dã trễ xuống. Bên cạnh đó còn có hình ảnh về ngôi nhà sàn của người thiểu số. Khách hàng ngoại quốc ham thích chất nguyên sơ rừng núi giữa con người và phẩm vật. Rõ ràng người mua vì tính văn hóa thuần tự nhiên nơi tấm thổ cẩm. By hand... By hand, có ngoại khách vì hai tiếng đó mà mua đến 4-5 tấm. Những người "sộp" còn "giúp" người bán một ít tiền. Hỏi vì sao mua nhiều như thế, họ cho rằng về khoe với bạn bè bên đó - Qua Việt Nam họ sưu tầm được một vật lạ! 
Hiện tại mặt hàng này chỉ có người ngoại quốc mua nhiều. Việt kiều về thăm nước cũng mua để qua bên kia làm quà. Một khó khăn của người bán là ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Người bán thường phải múa máy tay chân đủ kiểu, khách mới hiểu. Có người không biết tý ngoại ngữ nào cứ luôn miệng "by hand" khi thấy khách. Chúng ta cũng ít nhất một lần mục kích "thương gia" nọ tiếp thị bằng cách vừa lôi khách vừa giơ tập ảnh kia lên... đôi khi đó lại là những chi tiết thú vị cho khách? 
Đà Lạt là đất "sống" được, nên nhiều thổ cẩm quy tụ về đây. Hàng của người chàm thì mềm mại, thanh tao (loại làm bằng lụa), một vài loại khác thì sắc sảo, công phu. Dày và thô - rất "rừng", là hàng người Kơ Ho, Lạch. Hàng của người Mạ rất công phu, ấn tượng, hoa văn tỉ mỉ và có độ dày đáng "nể". Thổ cẩm Chàm tùy từng loại trong thang giá 6-12 USD (hầu hết tính bằng USD). Hàng người Kơ Ho không vượt quá 8 USD. Đặc biệt thổ cẩm người Mạ được ngoại khách chuộng nhất, có loại tới 16 USD/tấm. Phổ biến vẫn là loại từ 8-10 USD. Nếu người Anh, Đức, Bỉ thích thổ cẩm dân tộc Mạ, Kơ Ho thì người Hà Lan, Nhật chuộng hàng người Chàm hơn. 
Hàng được bán từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm chỉ khi nào khách không còn đi dạo họ mới rút. Ban ngày người ta bày bán ở quanh khu Hòa Bình, các điểm tham quan du lịch. Chiều tối họ quay về tới các nhà hàng khách sạn có người ngoại quốc ăn ở như Anh Đào, Mimôza, Hải Sơn, Phú Hòa, dọc đường PĐP... thấy mặt này có khả năng tiêu thụ, gần đây một số khách sạn cũng trưng bày thổ cẩm để bán. Tuy vậy, tâm lý của khách vẫn muốn mua những tấm thổ cẩm từ chính tay người thiểu số làm. Một số người chạy xe ôm chở Tây cho biết, có khách sau khi mua được một ấm vải "by hand" tại Đà Lạt, buộc họ chở đi tới K'Long B - Đức Trọng nơi làm ra nó để chụp một tấm hình. Có người khách táo bạo đòi mua ngay cả chiếc váy người thiếu nữ đang ngồi dệt mặc! Với chúng ta có thể tự hào về lòng sủng ái của người nước ngoài cho một mặt hàng dân tộc. 

... VÀ XIN CÓ LỜI GỢI MỞ 

Thật sự, ở đâu không biết, nhưng ngay tại Đà Lạt này hàng thổ cẩm ít nhiều khẳng định được giá trị của mình - một thứ hàng chỉ tính bằng đô la. Dẫu với mức giá như hiện nay là chưa thể xứng đáng với công sức người làm ra nó. Song, ít ra hàng thổ cẩm ở đây đã đóng một vai trò một món hàng lưu niệm du lịch khá ý nghĩa mà chỉ phổ biến được ở du lịch Đà Lạt. Với xu thế phục hồi và phát triển bằng giao lưu văn hóa dân tộc như hiện nay, hy vọng hàng thổ cẩm sẽ có một thị trường lớn mạnh nay mai. Lúc đó thổ cẩm sẽ đứng bên hàng dệt cao cấp trong cuộc trình diễn chung mà không luống cuống, tự ti. Nên chăng mở một cửa hàng chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm làm từ thổ cẩm ngay tại thành phố này. 

HOÀN TÌNH

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Những nét đặc trưng của Xã Lát, huyện Lạc Dương

Nằm dưới chân đỉnh Lang Biang hùng vĩ, xã Lát thuộc huyện Lạc Dương, nơi người dân tộc Lạch – những cư dân đầu tiên của thành phố cao nguyên xinh đẹp Đà Lạt – sinh sống là nơi để bạn dừng chân, tìm hiểu nhiều điều thú vị về con người và nếp sinh hoạt văn hóa ở đây.

Thuộc huyện Lạc Dương tỉnh Lâm đồng. Đó là khu vực dưới chân đỉnh Lanbiang, một trong 3 ngọn núi cao nhất của cao nguyên Lâm Viên. Đây là một trong những bản làng của đồng bào dân tộc tây Nguyên còn giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống. Đến nơi đây, du khách sẽ được thưởng thức những nét âm vang của núi rừng qua đêm lễ hội cồng chiêng, thưởng rượu cần cùng với thịt rừng nướng, xem các điệu múa cồng chiêng cùng những lời ca mang âm vang của núi rừng Tây Nguyên.
Đà Lạt về xã Lát có 12 km, nhưng là cả một quang đường hấp dẫn để khám phá. Những ngôi nhà bé như hộp diêm, những đồi thông bạt ngàn, những trang trại trồng rau, hoa quả, hoặc ngắm nhìn hồ Suối vàng lấp loáng dưới ánh mặt trời , nơi cung cấp nguồn nước ngọt cho Đà Lạt. Tất cả đều là những bút vẽ chân thực nhất về một cao nguyên Lâm Viên.

Dân tộc Lạch – những cư dân đầu tiên của thành phố cao nguyên xinh đẹp Đà Lạt. Người Lạch (hay còn viết là Lat, MLates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người K'ho sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. “Lạch” theo tiếng địa phương có nghĩa là “rừng thưa” để chỉ vùng rừng thông và đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống hướng Tây Nam bao gồm cả thành phố Đà Lạt hiện nay. Cộng đồng dân tộc Lạch, Kho này sinh sống ở nơi với cái tên rất quen như địa danh này đã trở thành thương hiệu: Xã Lát.

Xã Lát nổi danh hơn bất cứ địa danh nào ở Đà Lạt, và người dân ở đây có một cuộc sống kinh tế khá cao bởi nguồn thu du lịch. Gần như bất cứ ai đến xã Lát đều thích thâm nhập vào đời sống của cộng đồng người dân tộc  ở đây, cùng tham dự lửa trại, đi thăm vườn quốc gia Bidup, thăm suối Vàng suối Bạc.


Xã Lát còn là nơi tạo ra những tấm thổ cẩm với hoa văn độc đáo tinh tế, mà du khách thích mua để làm kỷ niệm cho chuyến dừng chân. Bên cạnh đó, những đội múa cồng chiêng, của xã Lát là minh chứng hùng hồn về một nền văn hóa đang phát triển ở nơi này. Những tiếng cồng chiêng ngoài việc đem lại niềm vui cho khách ghé chân, là nguồn thu nhập cho cộng đồng dân cư tại đây.

Độc đáo hơn là ở đây có lại nhạc cụ khèn Mbướt với âm thanh réo rắt càng làm cho du khách thích thú. Xã Lát có các buôn Đangya, Đưng, BNeur và có tới 8 đội cồng chiêng chuyên nghiệp luôn có mặt trong các lễ hội văn hóa của tỉnh và các Festival được tổ chức ở những nơi khác, đó chính là niềm tự hào của người xã Lát.


Vào nhà người Lạch, bạn sẽ nhận được lời “niêm xá” (lời chào) thân tình của người Trưởng thôn, được giới thiệu những chiếc cồng chiêng treo thiêng liêng bên bếp lửa. Để khi người trưởng thôn khua một tiếng chiêng, đã thấy âm vang của núi rừng, sông suối vọng về.



Ở quãng sân rộng phía trước, bạn sẽ được thưởng thức món thịt rừng nướng cùng với rượu cần, thứ rượu của lễ hội, của niềm vui, của ước mơ về cuộc sống giao hòa thân ái trong cộng đồng. Rượu ngâm bằng lá cây, gạo nếp nên ngọt lịm từ đầu lưỡi, uống vào cứ vui lâng lâng và ngây ngất không thôi.

Còn điệu múa của những chàng trai và thiếu nữ miền sơn cước nữa. Trong tiếng trống, tiếng chiêng và tiếng đàn vang dội, điệu múa đơn sơ rắn rỏi, mạnh mẽ nhưng uyển chuyển nhịp nhàng, làm cho núi rừng cũng muốn cất lên lời ca, hát về cuộc sống cộng đồng thân ái và đầy phấn khích của những con người nơi đây.

Một buổi chiều hòa mình vào cuộc sống nơi xã Lát dưới chân Lang Biang sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc sống còn biết bao điều thú vị mà bạn cứ phải khám phá không ngừng.


Lâm Đồng: Tìm lối ra cho làng nghề thổ cẩm ở chân núi Lang biang huyền thoại




Bor Neur C là làng dệt thổ cẩm nổi tiếng trong truyền thống của dân tộc K’Ho – Cill, K’Ho – Lạch ở xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Sản phẩm thổ cẩm của người Cill, Lạch được xem là nét văn hóa dân gian truyền thống độc đáo còn tồn tại đến ngày nay ở chân núi Lang biang huyền thoại.

Để bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này, chính quyền địa phương đã có những chương trình, chính sách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm bản địa như xây dựng xưởng dệt thổ cẩm tập trung, mở lớp đào tạo nghề dệt, đưa người đi tham quan, học tập mô hình xưởng dệt ở Ninh Thuận... 

Tuy nhiên, sản phẩm làm ra rất đẹp, mang đậm nghệ thuật dệt đã có lịch sử hàng trăm năm lại chưa có thị trường tiêu thụ. Đây là nỗi trăn trở của nhiều nghệ nhân vốn đắm đuối với nghề truyền thống của các tộc danh Cill, Lạch. Ở làng Bor Nuer C, trước đây, việc dệt thổ cẩm thành thạo được xem là một trong những tiêu chuẩn đánh giá đức hạnh của người phụ nữ Cill. Giờ những cô gái Cill không còn ở nhà ngồi dệt thổ cẩm mà đi làm việc cho những nhà vườn.

Một bà cụ người Cill gần 70 tuổi buồn bã cho biết: Nữ thanh niên đi làm thuê cắt hoa, còn phụ nữ lớn tuổi thì đi hái cà phê rồi, không ai dệt thổ cẩm nữa. Trong những căn nhà nhỏ chỉ thấp thoáng còn vài người già vẫn gắn bó với khung dệt. Bà Cil Mup K’ Pong ở nhà trông cháu vừa xem ti vi và dệt tấm thổ cẩm, nói trong niềm tiếc nuối: Hồi trước, chúng tôi mới lớn, con gái trong buôn chưa đến tuổi thanh niên đã thành thạo nghề dệt. Bây giờ, các cháu không còn hào hứng nữa.

Vì một số sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay (chăn đắp, túi xách, khăn quàng...) mất cả tuần lễ mới hoàn thành chỉ bán được từ 300.000 – 350.000 đồng mà cũng không dễ bán. Thành ra nhiều phụ nữ Cill, Lạch đã lựa chọn đi làm thuê với giá nhân công 100.000 đồng/ngày để nhanh chóng có tiền. Những tấm ui hiếm hoi của người già do bà Cil Mup K’ Pong hay của bà Cơ Liêng K’Mọ... dệt phải đưa ra bán dạo ở các khu du lịch, nhưng thỉnh thoảng mới có người mua. Đã nhiều lần bà Cơ liêng K’ Mọ đi bộ cả ngày mà chỉ bán được vài cái ví, dây đeo tay với giá 15.000 đồng, còn những tấm ui đặc trưng thì rất khó bán.

Nghề dệt thổ cẩm èo uột, xuống dốc và rất khó duy trì một phần do sản phẩm khó tiêu thụ. Bor Neur C hiện có 54 hộ, tất cả các gia đình đều biết nghề thổ cẩm nhưng những khung dệt truyền thống gần như đã bị lãng quên. Ước muốn lưu giữ nghề truyền thống nhiều đời của bà con thật khó khăn. Chị K’ Tuyn -người phụ nữ trẻ, được xem là giỏi nghề dệt nhất làng, cho hay: Những tấm ui của mình làm ra không được du khách lựa chọn, họ thích những tấm thổ cẩm mà người dân mua về từ nơi khác.

Thực tế hiện nay, tại những cửa hàng lưu niệm dưới chân núi Langbiang, không chỉ có những tấm ui, thổ cẩm Bor Neur C mà rất nhiều sản phẩm thổ cẩm từ nhiều nơi đưa về. Về việc giữ gìn, phát triển nghề thổ cẩm, ông Lê Thanh Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND xã Lát cho biết: Từ năm 2007, xã đã xây dựng một xưởng dệt thổ cẩm, phối hợp với Hội phụ nữ tổ chức cho các chị em đi học, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến các mẫu thổ cẩm, bớt đi sức lao động thủ công, nhằm giữ được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo trên mỗi tấm thổ cẩm.

Tuy nhiên, thổ cẩm làm ra nhiều mà tiêu thụ không được khiến bà con phải tự mình đem sản phẩm đi bán rong. Địa phương cũng đang “đau đầu” tìm phương án kêu gọi đầu tư, mời gọi các đoàn lữ hành ghé qua Bor Neur C để quảng bá nghề dệt thổ cẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào và quan trọng hơn là giữ gìn nét văn hóa đặc sắc truyền thống.

Chính quyền địa phương và bà con người dân tộc Cill, Lạch đều thiết tha và mong muốn các cơ quan hữu quan và ngành du lịch của tỉnh, Nhà nước quan tâm giúp đỡ để nghề dệt thổ cẩm độc đáo, mang nhiều dấu ấn truyền thống của núi rừng vùng Lạc Dương sớm được khôi phục và phát triển, trở thành món quà lưu niệm quí giá của du khách gần xa.

Đặng Tuấn

HƯỚNG NÀO CHO HÀNG THỔ CẨM GẮN KẾT VỚI DU LỊCH

Tấm lót bàn ăn 

 -Đà Lạt không những là nơi làm nhiều người thích đến vui xuân hay những ngày hè nóng bỏng, chính sự mát lạnh của vùng đất này đã giữ chân du khách trong và ngoài nước khá lâu. Vẻ đẹp hoang sơ, bên cạnh những câu chuyện huyền thoại về vùng cao nguyên xưa…về sự tích núi Lang Biang và nghề dệt thổ cẩm của các nhóm dân tộc sống quanh vùng đã thêu dệt thêm sức hấp dẫn trong mắt khách du lịch. Thế nhưng, trong nhiều năm gần đây hàng thổ cẩm của dân tộc K’ho Lâm Đồng nói riêng và các dân tộc khác bắt đầu gặp khó khăn trong khâu tiêu bao sản phẩm. Nguyên nhân là thiếu “môi giới” trong tiêu bao, hầu như thổ cẩm được bà con dân tộc sản xuất ra trong lúc nhàn rỗi theo lối thủ công nên giá thành cao, vì thế mà bà con dân tộc bán được bao nhiêu thì bán, họ cũng không quan tâm nhiều đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bên cạnh đó là thiếu nơi trưng bày sản phẩm nên hầu như khách du lịch tự tìm kiếm, không tập trung tại những điểm dừng chân để trưng bày bán sản phẩm.
Nếu có thì cũng thưa thớt, chính những nguyên nhân vừa nêu đã dẫn đến sản phẩm thổ cẩm dệt thiếu đầu tư nâng cấp cho kịp với xã hội hiện đại. Thiếu cơ hội lao động nên đôi lúc bà con tìm đến với rừng để kiếm sống làm cho nhiều khu rừng ngày cạn kiệt.
Rừng ở tỉnh Lâm Đồng ngày càng cạn kiệt làm ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu toàn cầu, để cải thiện môi trường và tạo điều kiện cho bà con dân tộc có nguồn thu nhập ổn định, ban lãnh đạo vườn Quốc Gia Bidoup - Núi Bà đã tiến hành khai thác tour du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng giúp bà con tham gia hướng dẫn cho khách tham quan rừng để có thu nhập từ du lịch. Bên cạnh đó bà con cũng được tài trợ vốn sản xuất thổ cẩm để bán cho khách du lịch.
Cùng đồng hành với ý tưởng hỗ trợ bà con dân tộc trong việc gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống và bán được sản phẩm, công ty Bity vừa mới thành lập đã tìm cách tiêu bao sản phẩm cho bà con dân tộc làng thổ cẩm ở K’Long huyện Đức Trọng trong thời gian qua. Đây là một tín hiệu vui, giúp bà con dân tộc K’ho ở huyện Đức Trọng không phá rừng làm rẫy mà tập trung sản xuất thổ cẩm và tìm cách tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với người tiêu dùng trong và ngoài nước.


Chia sẻ công việc với chị em phụ nữ ở làng nghề K’Long, chị Ngô Thị Thêm chia sẻ: “Tôi vốn xuất thân từ ngành học du lịch nên mỗi khi du lịch lên lâm Đồng, tôi trăn trở với sản sảm thổ cẩm của bà con dân tộc làm ra nhưng không bán được. Từ đó tôi miệt mài tìm hiểu nguyên nhân và chất lượng sản phẩm. Cuối cùng tôi thấy sản phẩm của bà con dân tộc ở K’Long dệt ra rất đẹp bền, từ đó tôi quyết tâm tiêu bao tòan bộ sản phẩm đạt chất lượng của họ”.
Làng thổ cẩm K’Long ở Đức Trọng được thành lập hơn 4 năm nhưng hầu như sản phẩm của họ làm ra bán không thuận ợi, từ khi công ty đứng ra tiêu bao sản phẩm cho bà con, nơi đó đã duy trì được xưởng dệt, xưởng may…và trở thành một điểm tham quan làng nghề của nhiều khách du lịch gần xa. Để sản phẩm thổ cẩm của bà con dân tộc vươn xa, họ phải vượt qua khó khăn về khung dệt, mẫu mã…thì mới co thể đáp ứng được người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây cũng chónh là điều mà chị Huỳnh Thị Thêm cùng trăn trở với chúng tôi “Hướng nào cho hàng thổ cẩm gắn kết với du lịch”. Điều này có nghĩa là sản phẩm làm ra phải có dòng chữ hoặc hình ảnh địa phương thì sản phẩm mới bán chạy.

 Hải Đăng

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Nhạc cụ dân tộc K'Ho Lâm Đồng

Nhạc cụ truyền thống dân tộc K' Ho gắn liền với tự nhiên về mặt chất liệu và mang tính tượng trưng về phương diện nhạc học . 
Nhạc cụ dân tộc K' Ho cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác là "sản phẩm tinh thần của những dân tộc sống bằng nền nông nghiệp nương rẫy trong một xã hội tiền giai cấp. Nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với thế giới siêu nhiên, sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng trên cơ sở tự nguyện"1. 
Cho đến lúc này, các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực dân tộc học và âm nhạc học, đều cho rằng: ở cộng đồng người Kơ Ho có không dưới 25 loại nhạc cụ truyền thống. Sau đây chúng tôi sẽ khảo sát một số nhạc cụ tiêu biểu và trình bày theo các nhóm(bộ). Bộ gõ còn được gọi là "họ nhạc cụ tự thân vang"2  . Nhạc cụ thuộc bộ gõ có mặt ở hầu hết các dân tộc khác ở Việt Nam. Nhạc cụ thuộc bộ gõ của dân tộc Kơ Ho Lâm Đồng phổ biến là đàn đá(lúr goòng), cồng chiêng (ching droòng), trống (sgơr) và đàn gió (poh kroc)
1.1 Lúr goòng (đàn đá) 
Lúr goòng là một loại nhạc cụ khá phổ biến ở Tây Nguyên. Đàn đá có chất liệu là đá tự nhiên, được ghè đẽo theo một quy định nhằm tạo ra âm thanh theo yêu cầu của con  người. 
Năm 1980, dân Đạ Long (Lạc Dương) cung cấp cho Bảo tàng Lâm Đồng bộ đàn đá gồm 7 thanh. Đầu năm 1998, một bộ đàn đá 6 thanh đã được một người dân làm rẫy ở Di Linh - địa phương có người Kơ Ho cư trú tập trung nhất - phát hiện. Bộ đàn đá vừa mới phát hiện này hiện đang được Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ. 
Giống như đàn đá của các dân tộc Tây Nguyên khác, đàn đá của người Kơ Ho Lâm Đồng được sắp xếp theo trật tự từ lớn đến nhỏ. Mỗi thanh đàn là một cao độ. Thanh lớn nhất có cao độ thấp nhất và cao độ cao nhất thuộc về thanh nhỏ nhất. Cũng như nhiều loại nhạc cụ tự thân vang, đàn đá của người Kơ Ho mang tính định âm. 
1.2 Cing, kuong (chiêng, cồng): 
Giống như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên trong phân biệt chiêng có núm với chiêng bằng, người Kơ Ho Lâm Đồng gọi chiêng là "chinh" hay "chiang", gọi cồng là "kuong". Chiêng (còn được viết là "cing") là những cái có kích thước nhỏ, không có núm. Cồng (kuong) là những cái to, có núm. 
Cũng như đàn đá, chiêng là nhạc khí tự thân vang, mỗi chiếc là một cao độ. Chất liệu tạo nên loại nhạc cụ này chủ yếu là đồng (nếu chất liệu đồng có pha vàng là loại chiêng quý). Chiêng có hình tròn. Đường kính của cái lớn nhất có thể lên tới hơn 60cm, cái nhỏ nhất không đến 20cm. Bộ chiêng phổ biến nhất trong cộng đồng người K'Ho Lâm Đồng là giàn chiêng được biên chế 6 chiếc có tên gọi từ lớn tới nhỏ là Chiang Me, Rđơm. Dờn, Thoòng, Thơ và Thê (tài liệu của Jacques Dournes ghi là Ching Me, Rơlul, N’đơn, Tru, Ran và Kon). 

Tấu chiêng (trun ching) là một sinh hoạt cộng đồng mang tính văn hóa của người K'Ho. Tùy vào nội dung và tính chất cuộc vui và người K'Ho sử dụng hình thức tấu chiêng sáu (ching droòng), chiêng ba (ching per) hoặc chiêng hai (ching du). Droong yang là hình thức tấu chiêng phổ biến nhất trong cộng đồng người K'Ho. Cộng tác viên cho biết bài bản của chiêng gồm "36 nhịp đánh khác nhau", nhưng đến lúc này, ít có người K'Ho nào nhớ đầy đủ 36 nhịp ấy 3. Chỉ biết rằng trong các buổi sinh hoạt mang tính giao lưu tình cảm thì người K'Ho thường sử dụng các bài chiêng trữ tình như "Tìng ngàn", "Tìng ching K'Ho’Kiêu đăm Tru", "Tìng Brut", "Tìng slơt"... Còn trong các buổi lễ thì họ thường dùng các bài "Rơ glùng", "Chờng gôồng", "Thôồng Wài", "Wrơ chsất", "Per dớh"... 
Khi tấu chiêng (trun ching), nếu là ching droòng thì 6 nhạc công dàn thành hình vòng cung, người hơi khom, vai trái đeo chiêng, bàn tay trái giữ mặt trong chiêng, tay phải đánh chiêng ở mặt ngoài. Người tấu chiêng Me (ching me) giữ vai trò "nhạc trưởng" thường là người già (chủ nhà, chủ hộ, chủ nhóm...) có nhiều kinh nghiệm trong đánh chiêng và được mọi người tôn trọng. Trong các bài bản, ching me bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo. 
1.3 Sgơr (trống) 
Trống là nhạc cụ có màng rung, có mặt ở hầu hết các dân tộc. Trống gồm tang trống và mặt  trống. Mặt trống được bọc bằng da súc vật. Tang trống được làm bằng gỗ theo dạng phình đều ở giữa hoặc thẳng. Tang trống gồm nhiều thanh gỗ đều nhau ghép lại với nhau theo hình tròn. Các loại trống chỉ bịt một mặt nhưng phổ biến vẫn là loại trống được bịt cả hai mặt. Khi vỗ vào mặt trống. Một âm thanh sẽ được phát ra. Cũng có loại trống được cấu tạo theo kiểu thắt lại ở giữa và phình ra ở hai đầu (như trống của người Cao Lan ở phía Bắc), nhưng loại trống này không phổ biến. 

Người ta đánh trống bằng nhiều cách như dùng dùi gỗ, dùng bàn tay gõ, dùng cả cùi tay để vuốt. Cách diễn tấu cũng rất phong phú, có thể dùng tay trái phụ giúp để ngắt âm hoặc rung âm. Trống có thể độc tấu nhưng cũng có thể hòa tấu với dàn nhạc. 
Trống (sgơr) của người K'Ho có kích thước không lớn như trống của nhiều dân tộc khác. Chiều cao trung bình của trống K'Ho chỉ vào khoảng 40 cm, đường kính mặt trống bình quân 20 cm. Tuy nhiên, ở người K'Ho và một số dân tộc khác ở Lâm Đồng, nét độc đáo của loại nhạc cụ này là trống độc mộc. Nếu trống của các dân tộc khác gồm nhiều thanh gỗ khép lại thì trống của người K'Ho chỉ có một thanh cây gỗ (thường là gỗ quý) được đẽo tròn đều, rồi cắt khúc ra khoét rỗng ruột. Tuy nhiên, loại trống này ngày nay không còn phổ biến. 
Người K'Ho Lâm Đồng thường dùng trống trong các buổi săn bắn tập thể. Trống cũng được dùng để báo hiệu với mọi người về giặc giã, thiên tai, hỏa hoạn. Trong những cuộc vui, trống là "nỗi lòng" của lũ làng khi muốn thể hiện bằng một loại hình nghệ thuật đặc sắc là âm nhạc. trong dàn nhạc hợp tấu, trống đóng vai trò giữ nhịp. Người diễn tấu sgơr trong dàn nhạc thường là các pô hiu (chủ nhà). 
1.4 Poh kroc (đàn gió) 
Gọi là "đàn" nhưng poh kroc thực chất là một nhạc cụ bộ gõ chứ không thuộc bộ hơi tuy nó vẫn lợi dụng sức gió để vận hành. Nhận định này là có cơ sở nếu xét đến cấu tạo, tính năng công dụng của poh kroc. 
Poh kroc được làm hoàn toàn bằng tre nứa hoặc lồ ồ. Có một bộ phận cánh quạt (gồm 6, 8, 10 hoặc 12 cánh làm bằng tre nứa hoặc lồ ô) để hứng gió. Cánh quạt được gắn liền với một ống nứa thông qua một cái trục dài bằng chiều dài từ cánh quạt đến cuối ống nứa. Trục xoay gắn liền với thanh tre đứng có khoét ngoàm (để gá trục xoay). Thanh tre đứng nối cố định với thanh tre vót tròn dọc theo ống nứa ở phía bên trên. Đoạn giữa ống nứa, người ta cắt bỏ một mảng thân ống để làm lỗ phát âm. 
b) Bộ hơi: 
Nhạc cụ thuộc bộ hơĩ của người K'Ho phổ biến là khèn bầu 6 ống (mboăt), sáo bầu 3 lổ (prê), đàn môi (tôồng) và khèn sừng trâu (ke nung và knộc). 
Mboăt (khèn bầu 6 ống) : 
Trong những nhạc cụ thuộc nhóm hơi của người K'Ho, mboăt là một đại biểu sáng giá. Mboăt gồm một qủa bầu khô và 6 ống trúc thoát hơi xuyên qua qủa bầu khô, được kết dính bằng một lọai mủ cây rừng. Nếu đàn đá và chiêng chỉ được sử dụng trong các dịp lễ hội thì mboăt không bị sự ràng buộc như thế mà hầu như có mặt ở mọi lúc, mọi nơi . 

Để có được một chiếc mboăt, công sức của nghệ nhân bỏ ra không ít. Trước hết người ta chọn một quả bầu thật già (ling) và tròn đều hái đem về nhà vùi trong đất nhão để cho ruột bầu rữa ra. Sau đó vớt quả bầu lên, moi hạt bên trong ra theo lỗ cắt của cuống bầu. Tiếp tục đem qủa bầu rỗng ruột ra phơi và làm sạch bằng nước lã cho đến khi không còn mùi hôi. Kế đến là công đoạn khó nhất: cắt ống trúc, khoét lỗ, kiểm tra âm. Khoét lỗ quả bầu, gắn ống trúc thành hai hàng (trên 4 ống, dưới 2 ống). Lấy mủ cây rừng kết cố định các ống trúc vào qủa bầu. 
Cách sử dụng khèn 6 ống: thổi hơi vào cuống bầu. Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út của tay trái giữ lỗ thoát hơi của ống trúc hàng trên. Ngón trỏ và ngón giữa của tay phải giữ lỗ thoát hơi của 2 ống trúc hàng dưới. Nguyên tắc cấu tạo của mboăt là ống dài cho âm thấp và ống ngắn sẽ cho âm cao. Các ống thứ tự từ dài đến ngắn (từ âm thấp đến âm cao) được gọi tên theo ching doòng là me, rđơm, dờn, thoàng, thơ và thê. 
Mboăt chỉ có một người sử dụng. Nó có thể chỉ độc tấu hoặc hợp tấu cùng với chiêng và trống. Nếu chiêng khi tấu phải cần sự nhịp nhàng và "thuộc bài"của nhiều người thì với mboăt, người biểu diễn cần phải nhịp nhàng và "thuộc bài" của 6 ngón tay. Mboăt được thổi ra và hít vào như kèn hacmonica.
Khèn bầu 6 ống được người K'Ho gọi là mboăt, người Mạ gọi là mbuot, người Chu ru gọi là laket. Mboăt rất thông dụng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số K'Ho , Mạ, Stiêng, Churu, Raylai, Lạch, Chil... ở Lâm Đồng. Điều đáng lưu ý là, trong cộng đồng các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme, chiếc khèn bầu 6 ống giống nhau cơ bản về chế tạo, cách sử dụng và đặc biệt là giống nhau về nhạc học, tức là cũng có ống "rđơm" không nằm trong hệ thống bình quân luật về mặt âm thanh. 
Prê (sáo bầu 3 lỗ): 
Prê là một qủa bầu có kích thước nhỏ hơn quả bầu của khèn bầu 6 ống. Cách làm prê cũng như làm kèn bầu 6 ống. Điều khác hơn là, ở prê chỉ có một ống trúc đâm xuyên qua qủa bầu. Trên ống trúc duy nhất này được khoét 3 lỗ thoát âm. Phần ống trúc phía bên trong qủa bầu, người K'Ho khoét một rãnh rộng có gắn một chiếc khày kala (lưỡi lam bằng tre hay nứa) để nhận âm thổi từ cuống bầu. Sáo prê chỉ có 3 lỗ thoát âm nhưng thổi được 5 âm. Năm âm đó là Sol - La - Si - Do - Ré. 
Âm thanh của prê nghe trong hơn so với mboăt. Cũng như mboăt, sáo prê được sử dụng một  cách rộng rãi. Prê được sử dụng trong các buổi tiệc vui và cả những lúc con người ta cảm thấy buồn chán. ở đây, prê mang tính "cá nhân" hơn so với các loại nhạc cụ khác là ở chỗ: khi con người ta có điều gì buồn chán hoặc rất hứng khởi nhưng không có người chia sẻ thì chiếc prê là người bạn thổ lộ tâm tình của người có tâm trạng nói trên. Nhờ đó mà prê rất được nhiều người, nhất là thanh niên ưu thích. Thanh niên nhờ vào 5 âm của chiếc prê để tâm sự nỗi niềm của mình. Người già dùng prê để gợi nhớ một thời trai tráng. Đàn ông dùng prê để chứng tỏ hào hoa, lịch thiệp của giới mình. Đàn bà dùng prê để nói rằng phụ nữ K'Ho cũng đảm đang không kém so với phụ nữ các dân tộc khác. 
Tôồng (đàn môi): 
Đàn môi (tôồng) của người K'Ho là một nhạc cụ khá phổ biến. Khung đàn môi là một đoạn nhôm (hoặc đồng) được uốn cong, nhỏ đều về phía 2 đầu. Đoạn rãnh ở giữa được gắn một chiếc lam không cố định. Dầu lưỡi lam gắn vào cục sáp ong (pịt). 
Cách thổi đàn môi: Ngậm đàn vào khoang miệng, lưỡi kết hợp với hơi thổi tác động vào chiếc lam, kết hợp với ngón tay trỏ hoặc giữa của bàn tay phải " gảy" vào chiếc lam. Chiếc lam nhờ có độ đàn hồi nên phát ra được âm thanh. 

Âm thanh của tôồng nghe nhỏ nhẹ , trong sinh hoạt giao lưu giữa các thanh niên nam nữ K'Ho, tôồng là một phương tiện tỏ ra rất hữu hiệu. Tôồng là một công cụ "bỏ túi" của các chàng trai K'Ho khi được bạn gái hoặc người yêu để mắt đến. Khả năng sử dụng tôồng là một trong những tiêu chí để con gái K'Ho chọn bạn đời trăm năm của mình. Hầu như rất ít người trong cộng đồng dân tộc K'Ho Lâm Đồng không biết sử dụng khèn môi. Tôồng của người K'Ho có tác dụng giống như chiếc sáo Mèo của người H’Mông vậy. Thường vào những đêm thanh vắng người con trai K'Ho (tuy không chủ động trong hôn nhân) lấy khèn môi đến gần nhà người con gái mà anh ta để ý để thổi. Tiếng khèn môi nói hộ cho người con gái ấy rằng anh ta rất muốn cô gái bắt mình về làm chồng theo luật hôn nhân của người K'Ho. Tiếng khèn môi của chàng trai cứ thể tỉ tê hết đêm này đến đêm khác, đến khi nào cô gái ‘đáp lời’. Nếu cô gái ưng ý thì cô ta lấy khèn môi của mình ra và đáp lời. Đáp lời xong, cô gái ra khỏi nhà và cùng với chàng trai đưa nhau đến một nơi thanh vắng nào đó để tâm sự. 
Đàn môi gần như không có các bài bản cố định, thổi (hoặc gảy đàn môi) là tùy hứng của người sử dụng. Nếu là người đang vui thì âm thanh của đàn môi nghe rục giã, thánh thót hơn. Ngược lại, nếu buồn, tiếng đàn môi nghe lê thê, da diết, thâm u hơn. 
Đàn môi (tôồng) còn rất gần gũi với chiếc đàn lá (hay là đàn gió) của người K'Ho. Đó là mội loại nhạc cụ rất đơn giản: gồm hai chiếc lá cây, một cọng cỏ làm lưỡi lam, ghép hai chiếc lá vào nhau sao cho có lỗ thoát âm ở giữa, đưa vào miệng để thổi. Với loại đàn này, hơi là yếu tố chính để tạo ra âm thanh. 
Kenung và Kuộc (khèn sừng trâu): 
Kenung và kuộc là nhạc cụ khá độc đáo của nhiều dân tộc miền núi, trong đó có dân tộc K'Ho ở Lâm Đồng. Khèn sừng trâu của người K'Ho Lâm Đồng có hai loại, loại lớn gọi là kenung và loại nhỏ gọi là kuộc. 


Kenung là một chiếc sừng trâu lớn, gần như nguyên vẹn, được vạt đầu nhọn để kê miệng thổi. khi thổi, áp lực của môi kê trên miệng kenung cần được thay đổi để tạo ra những âm thanh khác nhau. Kuộc là một đoạn của chiếc sừng trâu dài từ 15 - 20cm. ở phía đầu lớn của sừng, người Kơ Ho dùng sáp ong bịt 1/3 - ở miệng sừng lại để hơi được tập trung hơn. ở phía đầu nhỏ, nguời ta khoét một rãnh nhỏ và đặt vào đó chiếc lam mỏng bằng tre. Khi thổi, tay trái bịt kín, mở hết hoặc một phần phía lỗ ở đầu nhỏ để tạo ra âm thanh thời tạo áp lực của môi lên lỗ thổi có đính lam để cho ra những âm sắc khác nhau. 
Khèn sừng trâu (kenung và kuộc) của người K'Ho thường được sử dụng vào những dịp lễ lớn có tính cộng đồng và có giết trâu tế thần. Với quan niệm vạn vật hữu linh, người K'Ho cho rằng kenung và kuộc được Yàng thổi linh hồn mình vào đó. Cho nên người dân K'Ho không được phép sử dụng kenung và kuộc một cách bừa bãi. Mặt khác, người K'Ho còn cho rằng khèn sừng trâu cũng chính là linh hồn của con vật được đưa ra cúng Yàng nên nó cần được sử dụng và bảo quản với một thái độ rất trân trọng của con người. 
Cũng như trống (sgơr), kenung và kuộc của người K'Ho có âm không định hình. Khi thổi khèn sừng trâu, một âm thanh trầm hùng, rền rĩ vang vọng khắp trốn núi rừng. Cho nên kenung còn có nghĩa là "sừng vang to". Chính vì đặc điểm này nên khi bắt đầu vào làm lễ đâm trâu, người K'Ho dùng kenung báo hiệu cho Yàng và các thần linh biết để về chung vui với dân làng. 
c. Bộ dây 
Trong cộng đồng người K'Ho ở Lâm Đồng, phổ biến nhất vẫn là các nhạc cụ thuộc bộ gõ và bộ hơi. Trong khi đó thì các nhạc cụ thuộc bộ dây xem ra rất thiếu vắng. Trong các nhạc cụ thuộc bộ dây của người K'Ho, chiếc đinh dựt (hay đinh kliak) là tiêu biểu nhất. 
Theo tiếng K'Ho, "đinh" có nghĩa là "ống", "dựt" (hay "kliak") có nghĩa là "gảy đàn". Đinh dựt gồm một ống tre (hoặc nửa) già và hai đầu được bịt kín tự nhiên (nguyên một lóng tre). ở giữa lóng tre, người ta khoét một rãnh thoát âm. Hai bên rãnh thoát âm, người ta khéo léo tách cật tre thành 6 sợi từ lớn đến nhỏ, từ dày đến mỏng căng lên những "con ngựa" (kơ nal) ở hai đầu. 6 sợi dây này cũng có tên gọi từ lớn đến nhỏ, từ âm thấp đến âm cao là Vàng (Me), Rđơm, Dờn, Thòng, Thơ và Thê như tên gọi của bộ chinh droòng và tên gọi của 6 ống của khèn mboăt. 
Âm thanh của đing dựt (đing kliah) nghe trầm ấm như sự thu nhỏ của đàn chiêng 6 chiếc (ching droòng) . Thang âm của đing dựt và thang âm của ching droòng và thang âm của mboăt nên hầu như tất cả các bài bản của ching droòng và của mboăt cũng đều tấu bằng đing dựt. Nếu ở ching droòng phải cần đến 6 nhạc công, mỗi người phụ trách mỗi chiêng thì ở đing dựt (và cả mboăt) chỉ cần một nghệ nhân là đủ. 
Người K'Ho Lâm Đồng sử dụng đing dựt ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trạng thái tình cảm. Trong đó, vào những lúc chiều tối đi làm rẫy về, đàn ông thường lấy đing dựt ra gảy (như chơi ghita của người phương Tây và người Việt vậy). Nhờ gọn nhẹ, dễ mang theo người nên người K'Ho thường đưa đing dựt lên rẫy để gảy những khi mệt mỏi. Trong các lễ hội vui từ nhỏ tới lớn, người K'Ho có thể sử dụng đing dựt. Thường thấy nhất là vào các buổi tối uống rượu cần với quy mô nhỏ (gia đình, vài ba gia đình , một nhóm người...), người Kơ Ho hay sử dụng đing dựt như một công cụ trung gian trong cuộc giao lưu tình cảm giữa người với người. 

Với người K'Ho, bộ chiêng, khèn sừng trâu được thần thánh hóa thì ở đing dựt (đing kliah) không có yếu tố này. Người K'Ho xem đing dựt như là một vật dụng bình thường như con dao, cái xà gạc... vậy. 
Những năm gần đây, người K'Ho thường dùng dây kẽm thay cho dây bằng cật tre (vì dây bằng cật tre dễ đứt). Sáu dây kẽm trong chiếc đing dựt cũng được lên dây như 6 dây tre (thang âm ching droòng và thang âm mboăt). 
Nhìn chung, nhạc cụ cổ truyền dân tộc K'Ho là sản phẩm của một nền nông nghiệp lúa rẫy. Người K'Ho từ lâu đã biết sử dụng những chất liệu có sẵng trong thiên nhiên để làm nhạc cụ phục vụ cho đời sống của mình. Trong nhạc cụ cổ truyền dân tộc K'Ho, có loại đóng vai trò là linh khí (cồng chiêng, khèn sừng trâu...) nhưng cũng có loại như là những công cụ bình thường (đing dựt, mboăt...). Về mặt âm nhạc, thanh âm của nhiều nhạc cụ từ bộ gõ, bộ hơi đến cả bộ dây đều khá thống nhất. Đây là điều rất đặc biệt của dân tộc K'Ho Lâm Đồng (điều đặc biệt này còn có ở một dân tộc rất gần gũi với người K'Ho là người Mạ). Trong các nhạc cụ thuộc ba bộ gõ, hơi và dây thì nhạc cụ thuộc bộ gõ phổ biến nhất, xuất hiện sớm nhất và đa dạng nhất. 

Tác giả: VÕ KHẮC DŨNG 

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

Những nét đặc trưng về cơ cấu xã hội của người K'Ho

Do đặc điểm của từng vùng cư trú và những điều kiện lịch sử khác nhau nên giữa các nhóm dân tộc K’ho đã có một sự chênh lệch nhất định về trình độ phát triển xã hội. Trước đây, những nhóm sinh sống trên những vùng núi cao, vùng xa xôi hẻo lánh của cao nguyên Langbian… thì đốt rừng làm rẫy (mir) là phương thức canh tác yếu, họ thường phải sống du canh, du cư từ nơi này sang nơi khác, nên làng mạc (bon) của họ cũng chỉ là tạm thời.
Cũng như các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người K’ho nói riêng thì làng (bon) vẫn là một một đơn vị tổ chức xã hội cao nhất mà họ đã đạt đến.

Về mặt địa lý, làng (bon) là một khoảng đất rộng vài ba cây số vuông, trên vùng núi cao hoặc các thung lũng gần sông suối... giữa các làng thường có ‘’ranh giới’’ rõ rệt bằng các cột móc thiên nhiên như con sông, ngọn suối, hoặc đỉnh đồi... do các chủ làng (quăng bon) quy ước với nhau và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Về mặt kinh tế, mỗi thành viên trong làng đều có quyền phát rẫy, săn bắn, hoặc bắt cá trong vùng rừng núi và những sông suối thuộc quyền quản lý của cộng đồng làng theo sự hướng dẫn của chủ làng (quăng bon) và các chủ rừng (tơmbri) tại những thung lũng, vùng canh tác ruộng nước thì thổ cư và ruộng đất đã dần dần thuộc về quyền sở hữu, quản lý của từng đại gia đình hay tiểu gia đình hoặc dòng họ. Buôn làng là một đơn vị kinh tế mang tính chất tự cung tự cấp và khép kín.

Về mặt xã hội, làng (bon) là một công xã thị tộc mẫu hệ, nghĩa là mọi người trong làng đều có quan hệ huyết thống về bên ngoại và cư trú trong một nhà dài sát cạnh nhau.

Đứng đầu làng là chủ làng (quăng bon). Đó là một người đàn ông khoẻ mạnh được chọn trong số những người đàn ông cao tuổi nhất của làng, điều quan trọng hơn hết ông ta phải là một người hiểu biết tường tận các phong tục, tập quán của làng và của dân tộc mình. Vì vậy chủ làng là một người đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chỉ bảo dân làng sản xuất, tổ chức đời sống, bàn bạc giải quyết những công việc đối nội và đối ngoại của làng. Tuy nhiên chủ làng cũng như mọi người lao động khác, nghĩa là ông ta cũng phải lao động cật lực để tự nuôi sống bản thân và con cái của mình tuy nhiên về mặt tinh thần ông ta có một uy quyền tuyệt đối đối với mọi thành viên trong làng.

Như vậy, bên cạnh các chủ làng (quăng bon) còn có các chủ rừng (tơmbri), thầy cúng (Gru) và các gia trưởng (Pôniu)...Họ thường được gọi là những ‘’tầng lớp trên’’ và có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và tín ngưỡng trong xã hội truyền thống của người K’ho.

Nếu như trong xã hội truyền thống cổ truyền, làng (bon) là một công xã thị tộc, hay là một đại gia đình mẫu hệ, thì dưới chế độ thực dân cũ và mới làng (bon) đã trở thành một công xã láng giềng và thành một đơn vị hành chính. Làng gồm nhiều làng cũ nhiều nhóm tộc người có phong tục, tập quán, tín ngưỡng và trình độ phát triển kinh tế xã hội khác nhau cùng cư trú.

Cùng với sự phát triển nội tại của người K’ho và sự tác động mạnh mẽ của các xã hội có giai cấp bên ngoài: Xã hội phong kiến Chăm, Khơme, mà đặc biệt là chính sách tước đoạt đất đai, nương rẫy để lập đồn điền của thực dân Pháp cũng như chính sách dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ trước đây đã tạo nên những biến động trong sinh hoạt kinh tế - xã hội của người K’ho.



Về vấn đề quan hệ gia đình và cộng đồng: Người K’ho hiện nay vẫn tồn tại hình thức gia đình mẫu hệ. Tuy nhiên tổ chức đại gia đình mẫu hệ của người K’ho đang dần dần tan rã, gia đình nhỏ đã xuất hiện và ngày càng phổ biến. Nhưng một điều đáng chú ý trong tổ chức gia đình người K’ho là bất kể gia đình lớn hay gia đình nhỏ đều duy trì tàn dư sâu đậm của chế độ mẫu hệ, nghĩa là con cái được tính theo dòng họ mẹ, con cái được thừa kế tài sản của gia đình và phần lớn những quyền hành trong gia đình đều thuộc về người mẹ hoặc người cậu, tuy nhiên trong gia đình cũng như trong xã hội, vai trò của người đàn ông cũng đã được chú trọng và nhất là trong lao động sản xuất.

Về hôn nhân, chế độ hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên nhà vợ đã được xác lập và được duy trì của người K’ho, người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân (người K’ho có tục bắt chồng). Cho đến nay hôn nhân của người K’ho vẫn dựa trên cơ sở sự ưng thuận giữa đôi bên trai gái, cha mẹ không bao giờ cưỡng bách việc hôn nhân của con cái mình, sau khi kết hôn người con trai thường cư trú vĩnh viễn bên nhà vợ. Hiện tượng quan hệ nam nữ tiền hôn nhân trong xã hội người K’ho không được coi trọng và không ảnh hưởng gì đến hôn nhân. Nhưng việc ngoại tình lại là một trọng tội và bị luật tục trừng phạt một cách nặng nề, ngoài ra những trường hợp ly hôn thì phải được chủ làng chấp thuận.


Luật Tục Bắt chồng của người K'Ho

Về vấn đề quan niệm, phong tục tập quán: Người K’ho tin rằng mọi mặt đời sống của mình đều có các thế lực siêu nhân quyết định, tín ngưỡng truyền thống của người K’ho, có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng của cư dân bản địa Lâm Đồng (dân tộc Mạ, K’ho, Churu). Cư dân K’ho tin vào hệ thống các thần linh mà họ gọi là Yàng.

Yàng (cư dân người K’ho thường gọi là trời hay là thần), danh sách các Yàng không ai có thể nắm đủ, nhưng khá nhiều chủ yếu là các thiên thần,  các phúc thần, các thần nông nghiệp. Đó là Yàng brê (Yàng bri) - thần rừng, Yàng bnơm (Yàng Vơnơm) - thần núi, Yàng ù hoặc Yàng tiăh - thần đất, Yàng kòi, (Yàng koi, Yàng kue) - thần lúa, Yàng hìu - thần nhà, Yàng măt tơ ngai - thần mặt trời...

Trong danh sách các Yàng thì có một vị là N’DU (đọc là Nờ Đu), có khi được gọi là K’ĐU hay K’NĐU. Theo huyền thoại thì đó là một trong những vị thần sáng tạo bầu trời, mặt trời, trăng, sao... Mặc dù N’ĐU là vị thần tối cao nhưng trong các dịp tế lễ người K’ho ít cầu đến vị thần này mà thường cầu xin những vị thần tấp hơn. Do đó N’ĐU là thần tối cao, tượng trưng cho sự an lành nhưng không gần gũi với người K’ho bằng những vị thần khác ở ngôi vị thấp hơn.

Đối nghịch với thần là những ma quỷ (Chà), luôn luôn gây ra những tai nạn cho con người như phá hoại mùa màng, gieo các bệnh tật, mục tiêu chính của Chà là làm hại con người. Người K’ho tin rằng chính Chà là kẻ ‘’ăn linh hồn’’ người chết.

Trong tín ngưỡng của người K’ho, cư dân tin rằng ngoài thế lực Yàng Chà còn có nhiều vật thiêng khác đáng tôn thờ vì chúng có thể mang lại may rủi cho con người.

Do đời sống kinh tế của người K’ho cơ bản dựa vào nông nghiệp cho nên những lễ nghi liên quan đến việc làm rẫy, làm ruộng là những lễ nghi quan trọng nhất và được tiến hành thường xuyên nhất. Một số lễ nghi nông nghiệp của người K’ho như: Kơn’ ràk chi - Cúng phát rẫy, R’nuăl ồs - Cúng sau khi phát rẫy xong, Duh Khoai Dơng  Lễ cúng khi lúa, bắp sắp trổ đòng, Woàk rồch mbô, kòi - Cúng lúa, bắp về nhà.




Những hiện tượng tín ngưỡng đa thần như trên phổ biến và thống trị trong xã hội người K’ho. Nhưng bên cạnh đó đã thấy xuất hiện những bộ phận dân chúng tin theo những tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào như thiên chúa giáo và Tin lành...


Từ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, người K’ho ở Lạc Dương đã có nhiều biến đổi khá cơ bản, nhân dân lao động đã đấu tranh quyết liệt và thoát dần sự chi phối của bọn phản động trong tôn giáo, ra sức xây dựng đời sống mới: Thực hiện chủ trương định canh, định cư của Đảng và nhà nước. Ngày nay, vùng người dân K’ho đã lập được an ninh trật tự vững chắc, chính quyền nhân dân được cũng cố, đời sống kinh tế nhất là văn hoá, giáo dục, y tế trong những năm gần đây đang được phát triển nhanh chóng, ngày một giàu đẹp hơn.

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Đôi nét về Huyện Lạc Dương



Huyện Lạc Dương nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15 km. Huyện có địa giới hành chính như sau:
- Phía Đông giáp tỉnh Khánh Hoà.
- Phía Tây giáp huyện Đam Rông.
- Phía Nam giáp thành phố Đà Lạt huyện Đơn Dương.
- Phía Bắc giáp tỉnh Đắc Lắc.

Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 130.963 ha. Trong đó diện tích đất Lâm nghiệp là 117.634,4 ha, đất Nông nghiệp là 4.765 ha, còn các đất khác là 8.438,4 ha.

Về địa hình: Địa hình huyện Lạc Dương được chia ra làm 3 dạng địa hình chính:

- Dạng địa hình núi cao: khu vực có độ dốc lớn (trên 20o), có độ cao 1.500 - 2.200m so với mực nước biển, chủ yếu có nguồn gốc xâm nhập Jura - creta (granite - dacite...), hoặc các trầm tích (phiến sa, phiến sét...) chiếm khoảng 80 - 85% diện tích tự nhiên toàn huyện, hầu hết diện tích ở dạng địa hình này là rừng đầu nguồn nước hệ thống sông Đa Nhim nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

- Dạng địa hình đồi núi thấp đến trung bình: các dải đồi hoặc các núi ít dốc (dưới 20o) có độ cao trung bình 1.500m. Ở dạng địa hình này phần lớn có nguồn gốc phun trào Bazan với đất nâu đỏ chiếm 8 -10% tổng diện tích đất toàn huyện, phân bố tập trung ở khu vực phía nam. Khả năng sử dụng tùy thuộc vào độ dốc, tầng dày. Khí hậu và điều kiện có thể chuyên canh cây công nghiệp lâu năm (như cây cà phê...).



- Dạng địa hình thung lũng: Diện tích chiếm khoảng 2 - 3% diện tích đất toàn huyện, phân bố ven các sông, suối lớn, có độ cao so với mực nước biển từ 850 - 1.500m, độ dốc phổ biến từ 3 - 8o hầu hết diện tích thuộc dạng địa hình này là các loại đất phù sa và dốc tụ, nguồn nước dồi dào, tạo diều kiện cho việc phát triển trồng lúa và hoa màu.

Về khí hậu: Huyện Lạc Dương nằm trong vùng khí hậu ôn đới, có độ cao so với mặt nước biển từ 1.500m đến 1.600m. Nhiệt độ trung bình hàng năm thấp từ 17,5 - 18,3oC, tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất (16,4oC), tháng 5 có nhiệt độ trung bình cao nhất (19,7oC), nhiệt độ ổn định qua các mùa trong năm. Biên độ giao động nhiệt giữa ngày và đêm lớn (9oC), các tháng mùa khô biên độ nhiệt cao từ 11 - 13oC, các tháng mùa mưa biên độ nhiệt giảm còn từ 6o - 7oC. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tổng lượng mưa trung bình hàng năm 1.700 - 1.800mm. Khí hậu ở đây khá thích hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm (cây cà phê), cây ăn quả (cây hồng, cây bơ...), các loại rau và hoa quý, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.




Về nguồn nước: Nguồn nước mặt chủ yếu của Lạc Dương gồm 2 hệ thống sông chính là sông Đa Nhim sông Đạ Dâng, ngoài ra còn có một số suối nhỏ nằm rải rác ở các xã trong huyện.

Về thổ nhưỡng: Huyện Lạc Dương có 5 nhóm đất chính:

- Nhóm đất Feralít là loại đất chính ở Lạc Dương có diện tích 102.500 ha chiếm 78,3% diện tích đất tự nhiên.

- Nhóm đất đỏ vàng: có diện tích  là 23.248 ha chiếm 17,8% diện tích đất tự nhiên.

- Nhóm đất dốc tụ: có diện tích là 1.710 ha chiếm 1,3% diện tích đất  tự nhiên.
- Nhóm đất mùn axít trên núi cao: Có diện tích là 1.455 ha chiếm 1,1% diện tích đất tự nhiên.

-               Nhóm đất phù sa sông suối: có diện tích là 1.282 ha chiếm 1% diện tích đất tự nhiên.

Về khoáng sản: Lạc Dương thuộc nhóm huyện không giàu về khoáng sản, các loại khoáng sản chủ đạo của tỉnh Lâm Đồng như: vàng, thiếc, bôxít, đá quý, cao lin, than nâu, điatonit...đều không có ở huyện Lạc Dương, hoặc có (vàng, thiếc) nhưng ở dạng sa khoáng, trữ lượng thấp. Tuy nhiên có thể khai thác sét, đá, cát, đất làm gạch ngói và vật liệu xây dựng cho nhu cầu xây dựng nông thôn.




Về tài nguyên rừng: Rừng huyện Lạc Dương có tính đa dạng sinh học rất cao với thành phần số lượng cá thể các loài rất phong phú.

- Thực vật: Hệ thực vật rừng huyện Lạc Dương điển hình cho kiểu rừng kín thường xuyên mưa ẩm và khá phong phú về chủng loại. Hệ thực vật gồm có 827 loài trong đó có 246 loài cho hoa đẹp và quý, 212 loài cây thuốc, 14 loài cho nhựa, 28 loài cho tinh dầu.


- Động vật: Có 382 loài động vật cư trú, trong đó có 61 loài quý hiếm (25 loài thú, 19 loài chim, 14 loài bò sát, 3 loài lưỡng thê), 10 loài đang bị đe dọa diệt chủng như: bò tót, vượn má hung, gấu ngựa... Rừng ở đây lưu giữ lượng lớn nguồn gien động vật quý hiếm, có giá trị cao trong việc nghiên cứu khoa học nên cần được chú trọng bảo vệ.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Các loại hình sản phẩm của người K'Ho



 Các sản phẩm dệt truyền thống của người k’ho trước đây bao gồm: khăn choàng, tấm đắp, váy (ùi), khố cho người lớn và trẻ em. Người K’ho dệt vải ngoài việc đáp ứng nhu cầu của cuộc sống tự cung tự cấp của bản thần và gia đình, họ còn dùng các sản phẩm dệt để trao đổi hàng hóa với các nhóm K’ho khác và các dân tộc khác trong vùng.

Hiện nay do có sự tác động của nền kinh tế thị trường, cũng như sự phát triển của du lịch nên nghề dệt của người K’ho cũng có nhiều biến động. Ngoài những sản phẩm truyền thống nói trên, người K’ho còn sản xuất còn sản xuất một số sản phẩm mới như: dây đeo tay, băng cài đầu, băng cầu nguyện, ví, túi xách,… trên những sản phẩm này ngoài các hoa văn truyền thống họ còn dệt cài những dòng chữ bằng tiếng Anh, tiếng Việt tùy theo nhu cầu của khách du lịch.
Các sản phẩm dệt của người K’ho có như sau:

Khố: khố có hình chữ nhật chiều dài khoảng 2m, chiều rộng khoảng 30cm. Hai đầu khổ để các tua chỉ dài được tết, thắt rết rất công phu nhằm trang trí làm tăng vẻ hấp dẫn của trang phục. Khố được dùng cho đàn ông. Khi mặc người ta khéo léo luồn qua bẹn và quấn quanh bụng nhiều lần chỉ chừa lại hai đoạn cuối của phần có tua để che mặt trước và mặt sau của vùng kín. Thông thường để dệt được một cái khố hoàn chỉnh người dệt phải làm mất từ 15 đến 20 ngày.

Váy (ùi): váy là loại trang phục cho phụ nữ. Váy có hình chữ nhật, chiều dài khoảng 1,5m, chiều rộng khoảng 1m. Ở phần biên váy người ta thường chừa lại chỉ để làm tua trang trí, khi mặc người phụ nữ K’ho quấn váy quanh thân để lộ phần tua ra ngoài làm đẹp. Trên váy của người K’ho được trang trí nhiều loại hoa văn rất cầu kỳ, vì vậy để dệt được một tấm váy hoàn chỉnh người phụ nữ K’ho phải mất gần một tháng.

Áo: có áo nữ và áo nam, phần lớn áo nam lẫn nữ đều xẽ nách và không có tay. Áo cũng là sản phẩm xuất hiện ở giai đoạn sau, vì trước đây người K’ho cả nam và nữ đều không mặc áo.
Tấm đắp: thường có kích thước dài khoảng 2m và rộng khoảng 2m. Thường được sử dụng thay chăn vào những ngày thời tiết giá lạnh. Tấm đắp cũng được trang trí hoa văn đường diềm ở gần rìa mép.



Tấm choàng: thường có kích thước dài khoảng 2m và rộng khoảng 1,5m. Là sản phẩm mà các phụ nữ thường hay sử dụng mỗi khi địu con hay dùng làm tấm choàng chống lạnh khi thời tiết thay đổi.

Dây đeo tay: đây là sản phẩm phục vụ cho khách du lịch, nghệ nhân thường dệt theo đơn đặt hàng hoặc được dệt ngay tại khu du lịch theo tuỳ sỡ thích của khách, các sản phẩm này dệt ít tốn thời gian.


Khăn trải bàn: ngoài những sản phẩm dùng cho trang phục người dân còn dệt cả khăn trải ban, kích thước tuỳ theo ý thích của người sử dụng, với nhiều loại hoa văn phong phú thể hiện lên nét sang trọng.