Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

PHỤC SINH SẮC MÀU THỔ CẨM LÀNG CIL

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con DTTS Tây Nguyên. Ảnh N

Dự án “Hỗ trợ phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống” thôn Đam Pao - xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện được hơn 3 năm nay. Đây là dự án phát triển làng nghề đầu tiên tại huyện Lâm Hà được triển khai dành cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người dân địa phương.





Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ rất lâu đời, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của buôn làng người Cil ở xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà. Qua thời gian, mặc dù nghề dệt thổ cẩm ít nhiều bị mai một, nhưng với ý thức gìn giữ và lưu truyền nghề truyền thống, những nghệ nhân nơi đây vẫn đang dày công truyền lại cho con cháu. Đến nay, thôn Đam Pao cũng là buôn làng duy nhất trong cộng đồng các dân tộc anh em huyện Lâm Hà còn giữ được nét đặc trưng của một làng nghề dệt thổ cẩm. Với sự tinh xảo và điêu luyện trong từng sản phẩm, thổ cẩm của họ đã được nhiều người ưa chuộng. Bây giờ, trong các dịp lễ hội của buôn làng, cũng như của địa phương, những con em đồng bào Cill nơi đây vẫn khoác lên mình những bộ đồ thổ cẩm truyền thống sặc sỡ của buôn làng mình. Đó là tín hiệu vui trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa của con em đồng bào Cil ngày nay. Già làng Kơ Să Ha Đông ở thôn Đam Pao chia sẻ: “Mình rất vui khi nhìn thấy con cháu mình bây giờ nó lại dệt (cái) thổ cẩm của cha ông mình. Ngày xưa, thổ cẩm là thứ rất quan trọng đối với đời sống của bà con, nó không chỉ được dệt để sử dụng trong gia đình mà nó còn là vật phẩm quý giá trong lễ cưới hỏi, là sản phẩm để trao đổi các vật dụng khác như chiêng, ché, gùi… Mình hy vọng con cháu mình sau này vẫn mãi duy trì được nghề truyền thống dệt thổ cẩm của cha ông để lại”.

Niềm đam mê đã được truyền lại từ những nghệ nhân đi trước, nên từ nhỏ các bé gái người Cil của làng nghề đã sớm quen với khung dệt. Đặc biệt, từ khi có dự án đầu tư khôi phục làng nghề của chính quyền địa phương, đã mang lại niềm vui và hy vọng về một tầm vóc lớn lao hơn của nghề dệt thủ công truyền thống. Từ khi mới triển khai chỉ có 99 hộ đăng ký tham gia, đến nay đã có gần 150 hộ tham gia với số thợ dệt trên 200 người, trong đó có gia đình cả 3 thế hệ đều tham gia dệt. Về làng Cill bây giờ, không ít thiếu nữ 13 - 14 tuổi bằng đôi tay khéo léo đang say sưa ngồi dệt bên khung cửi với lòng tự hào về những sản phẩm do mình làm ra. Em Bon Dâng K’Gát - 14 tuổi, một người con của đồng bào Cill thôn Đam Pao cho biết: “Em được bà ngoại và mẹ dạy cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Em rất thích dệt và mặc những bộ đồ thổ cẩm trong những dịp lễ, hội. Em mong muốn nghề dệt thổ cẩm của làng em ngày càng phát triển hơn nữa”.

Khi Dự án “Hỗ trợ phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống” thôn Đam Pao, xã Đạ Đờn chính thức được UBND huyện Lâm Hà triển khai với nguồn kinh phí 120 triệu đồng, nhiều lao động nữ đã trở về gắn bó với làng nghề. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thổ cẩm truyền thống gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Thế nhưng, tín hiệu vui chưa thực sự khởi sắc thì những thách thức trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề đang là nỗi trăn trở lớn đối với chính quyền địa phương cũng như của các chủ nhân làng nghề này. Với số vốn đầu tư quá ít ỏi và ngắt quãng, cộng với thị trường tiêu thụ bấp bênh đã khiến cho cuộc sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn, nên dù rất tâm huyết với nghề, nhưng là những lao động chính trong gia đình chị em vẫn chủ yếu phải lao động bằng nghề khác để kiếm sống, chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để dệt. Vì thế, để bảo tồn còn quá khó, nói gì đến việc mở rộng và phát triển làng nghề. Trao đổi thêm với chúng tôi những trăn trở về làng nghề, ông Rơ Ông Hòa - PCT UBND xã Đạ Đờn tâm sự: “Tuy đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nhưng nghề dệt thổ cẩm nơi đây cũng chưa phát triển được do nhiều nguyên nhân khác nhau như, công tác giới thiệu quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng còn hạn chế, đầu ra không có, thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm thấp hơn so với làm nông tại địa phương nên người dân không mặn mà lắm với nghề truyền thống này… Tuy vậy nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền vận động để bà con tham gia dệt và sử dụng đồ thổ cẩm nhằm gìn giữ nghề truyền thống của buôn làng mình. Tôi hi vọng trong thời gian tới có đơn vị nào đó đứng ra thu mua, giới thiệu quảng bá để đưa sản phẩm thổ cẩm người dân Đam Pao đến với khách hàng, giúp người dân có thu nhập ổn định và sống được với nghề”.
  
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cũng như hỗ trợ của Nhà nước, hy vọng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân Đam Pao sẽ mãi trường tồn, góp phần đáng kể vào công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Qua đó cũng góp phần bảo tồn phát huy và làm phong phú, đa dạng thêm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên trong thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

DUY NGUYỄN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét