Bor Neur C là làng dệt thổ cẩm nổi tiếng trong truyền
thống của dân tộc K’Ho – Cill, K’Ho – Lạch ở xã Lát (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).
Sản phẩm thổ cẩm của người Cill, Lạch được xem là nét văn hóa dân gian truyền
thống độc đáo còn tồn tại đến ngày nay ở chân núi Lang biang huyền thoại.
Để bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này, chính quyền địa phương đã có những chương trình, chính sách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm bản địa như xây dựng xưởng dệt thổ cẩm tập trung, mở lớp đào tạo nghề dệt, đưa người đi tham quan, học tập mô hình xưởng dệt ở Ninh Thuận...
Để bảo tồn nghề truyền thống độc đáo này, chính quyền địa phương đã có những chương trình, chính sách bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm bản địa như xây dựng xưởng dệt thổ cẩm tập trung, mở lớp đào tạo nghề dệt, đưa người đi tham quan, học tập mô hình xưởng dệt ở Ninh Thuận...
Tuy nhiên, sản phẩm làm ra rất đẹp, mang đậm nghệ thuật dệt đã có lịch sử hàng trăm năm lại chưa có thị trường tiêu thụ. Đây là nỗi trăn trở của nhiều nghệ nhân vốn đắm đuối với nghề truyền thống của các tộc danh Cill, Lạch. Ở làng Bor Nuer C, trước đây, việc dệt thổ cẩm thành thạo được xem là một trong những tiêu chuẩn đánh giá đức hạnh của người phụ nữ Cill. Giờ những cô gái Cill không còn ở nhà ngồi dệt thổ cẩm mà đi làm việc cho những nhà vườn.
Một bà cụ người Cill gần 70 tuổi buồn bã cho biết: Nữ thanh niên đi làm thuê cắt hoa, còn phụ nữ lớn tuổi thì đi hái cà phê rồi, không ai dệt thổ cẩm nữa. Trong những căn nhà nhỏ chỉ thấp thoáng còn vài người già vẫn gắn bó với khung dệt. Bà Cil Mup K’ Pong ở nhà trông cháu vừa xem ti vi và dệt tấm thổ cẩm, nói trong niềm tiếc nuối: Hồi trước, chúng tôi mới lớn, con gái trong buôn chưa đến tuổi thanh niên đã thành thạo nghề dệt. Bây giờ, các cháu không còn hào hứng nữa.
Vì một số sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay (chăn đắp, túi xách, khăn quàng...) mất cả tuần lễ mới hoàn thành chỉ bán được từ 300.000 – 350.000 đồng mà cũng không dễ bán. Thành ra nhiều phụ nữ Cill, Lạch đã lựa chọn đi làm thuê với giá nhân công 100.000 đồng/ngày để nhanh chóng có tiền. Những tấm ui hiếm hoi của người già do bà Cil Mup K’ Pong hay của bà Cơ Liêng K’Mọ... dệt phải đưa ra bán dạo ở các khu du lịch, nhưng thỉnh thoảng mới có người mua. Đã nhiều lần bà Cơ liêng K’ Mọ đi bộ cả ngày mà chỉ bán được vài cái ví, dây đeo tay với giá 15.000 đồng, còn những tấm ui đặc trưng thì rất khó bán.
Nghề dệt thổ cẩm èo uột, xuống dốc và rất khó duy trì một phần do sản phẩm khó tiêu thụ. Bor Neur C hiện có 54 hộ, tất cả các gia đình đều biết nghề thổ cẩm nhưng những khung dệt truyền thống gần như đã bị lãng quên. Ước muốn lưu giữ nghề truyền thống nhiều đời của bà con thật khó khăn. Chị K’ Tuyn -người phụ nữ trẻ, được xem là giỏi nghề dệt nhất làng, cho hay: Những tấm ui của mình làm ra không được du khách lựa chọn, họ thích những tấm thổ cẩm mà người dân mua về từ nơi khác.
Thực tế hiện nay, tại những cửa hàng lưu niệm dưới chân núi Langbiang, không chỉ có những tấm ui, thổ cẩm Bor Neur C mà rất nhiều sản phẩm thổ cẩm từ nhiều nơi đưa về. Về việc giữ gìn, phát triển nghề thổ cẩm, ông Lê Thanh Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND xã Lát cho biết: Từ năm 2007, xã đã xây dựng một xưởng dệt thổ cẩm, phối hợp với Hội phụ nữ tổ chức cho các chị em đi học, hỗ trợ kỹ thuật, cải tiến các mẫu thổ cẩm, bớt đi sức lao động thủ công, nhằm giữ được bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo trên mỗi tấm thổ cẩm.
Tuy nhiên, thổ cẩm làm ra nhiều mà tiêu thụ không được khiến bà con phải tự mình đem sản phẩm đi bán rong. Địa phương cũng đang “đau đầu” tìm phương án kêu gọi đầu tư, mời gọi các đoàn lữ hành ghé qua Bor Neur C để quảng bá nghề dệt thổ cẩm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào và quan trọng hơn là giữ gìn nét văn hóa đặc sắc truyền thống.
Chính quyền địa phương và bà con người dân tộc Cill, Lạch đều thiết tha và mong muốn các cơ quan hữu quan và ngành du lịch của tỉnh, Nhà nước quan tâm giúp đỡ để nghề dệt thổ cẩm độc đáo, mang nhiều dấu ấn truyền thống của núi rừng vùng Lạc Dương sớm được khôi phục và phát triển, trở thành món quà lưu niệm quí giá của du khách gần xa.
Đặng Tuấn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét