Do đặc điểm của từng vùng cư trú và những điều
kiện lịch sử khác nhau nên giữa các nhóm dân tộc K’ho đã có một sự chênh lệch
nhất định về trình độ phát triển xã hội. Trước đây, những nhóm sinh sống trên
những vùng núi cao, vùng xa xôi hẻo lánh của cao nguyên Langbian… thì đốt rừng
làm rẫy (mir) là phương thức canh tác yếu, họ thường phải sống du canh, du cư
từ nơi này sang nơi khác, nên làng mạc (bon) của họ cũng chỉ là tạm thời.
Cũng như các dân tộc Tây Nguyên nói chung và
người K’ho nói riêng thì làng (bon) vẫn là một một đơn vị tổ chức xã hội cao
nhất mà họ đã đạt đến.
Về mặt địa lý, làng (bon) là một khoảng
đất rộng vài ba cây số vuông, trên vùng núi cao hoặc các thung lũng gần sông
suối... giữa các làng thường có ‘’ranh giới’’ rõ rệt bằng các cột móc thiên
nhiên như con sông, ngọn suối, hoặc đỉnh đồi... do các chủ làng (quăng bon)
quy ước với nhau và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Về mặt kinh tế, mỗi thành viên trong làng đều có
quyền phát rẫy, săn bắn, hoặc bắt cá trong vùng rừng núi và những sông suối
thuộc quyền quản lý của cộng đồng làng theo sự hướng dẫn của chủ làng (quăng
bon) và các chủ rừng (tơmbri) tại những thung lũng, vùng canh tác
ruộng nước thì thổ cư và ruộng đất đã dần dần thuộc về quyền sở hữu, quản lý
của từng đại gia đình hay tiểu gia đình hoặc dòng họ. Buôn làng là một đơn vị
kinh tế mang tính chất tự cung tự cấp và khép kín.
Về mặt xã hội, làng (bon) là một công xã
thị tộc mẫu hệ, nghĩa là mọi người trong làng đều có quan hệ huyết thống về bên
ngoại và cư trú trong một nhà dài sát cạnh nhau.
Đứng đầu làng là chủ làng (quăng bon). Đó
là một người đàn ông khoẻ mạnh được chọn trong số những người đàn ông cao tuổi
nhất của làng, điều quan trọng hơn hết ông ta phải là một người hiểu biết tường
tận các phong tục, tập quán của làng và của dân tộc mình. Vì vậy chủ làng là
một người đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chỉ bảo dân làng sản
xuất, tổ chức đời sống, bàn bạc giải quyết những công việc đối nội và đối ngoại
của làng. Tuy nhiên chủ làng cũng như mọi người lao động khác, nghĩa là ông ta
cũng phải lao động cật lực để tự nuôi sống bản thân và con cái của mình tuy
nhiên về mặt tinh thần ông ta có một uy quyền tuyệt đối đối với mọi thành viên
trong làng.
Như vậy, bên cạnh các chủ làng (quăng bon)
còn có các chủ rừng (tơmbri), thầy cúng (Gru) và các gia trưởng (Pôniu)...Họ
thường được gọi là những ‘’tầng lớp trên’’ và có vai trò quan trọng trong đời
sống kinh tế, chính trị và tín ngưỡng trong xã hội truyền thống của người K’ho.
Nếu như trong xã hội truyền thống cổ truyền,
làng (bon) là một công xã thị tộc, hay là một đại gia đình mẫu hệ, thì
dưới chế độ thực dân cũ và mới làng (bon) đã trở thành một công xã láng
giềng và thành một đơn vị hành chính. Làng gồm nhiều làng cũ nhiều nhóm tộc
người có phong tục, tập quán, tín ngưỡng và trình độ phát triển kinh tế xã hội
khác nhau cùng cư trú.
Cùng với sự phát triển nội tại của người K’ho và
sự tác động mạnh mẽ của các xã hội có giai cấp bên ngoài: Xã hội phong kiến
Chăm, Khơme, mà đặc biệt là chính sách tước đoạt đất đai, nương rẫy để lập đồn
điền của thực dân Pháp cũng như chính sách dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ
trước đây đã tạo nên những biến động trong sinh hoạt kinh tế - xã hội của người
K’ho.
Về vấn đề quan hệ gia đình và cộng đồng: Người
K’ho hiện nay vẫn tồn tại hình thức gia đình mẫu hệ. Tuy nhiên tổ chức đại gia
đình mẫu hệ của người K’ho đang dần dần tan rã, gia đình nhỏ đã xuất hiện và
ngày càng phổ biến. Nhưng một điều đáng chú ý trong tổ chức gia đình người K’ho
là bất kể gia đình lớn hay gia đình nhỏ đều duy trì tàn dư sâu đậm của chế độ
mẫu hệ, nghĩa là con cái được tính theo dòng họ mẹ, con cái được thừa kế tài
sản của gia đình và phần lớn những quyền hành trong gia đình đều thuộc về người
mẹ hoặc người cậu, tuy nhiên trong gia đình cũng như trong xã hội, vai trò của
người đàn ông cũng đã được chú trọng và nhất là trong lao động sản xuất.
Về hôn nhân, chế độ hôn nhân một vợ
một chồng và cư trú bên nhà vợ đã được xác lập và được duy trì của người K’ho,
người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân (người K’ho có tục bắt
chồng). Cho đến nay hôn nhân của người K’ho vẫn dựa trên cơ sở sự ưng thuận
giữa đôi bên trai gái, cha mẹ không bao giờ cưỡng bách việc hôn nhân của con
cái mình, sau khi kết hôn người con trai thường cư trú vĩnh viễn bên nhà vợ.
Hiện tượng quan hệ nam nữ tiền hôn nhân trong xã hội người K’ho không được coi
trọng và không ảnh hưởng gì đến hôn nhân. Nhưng việc ngoại tình lại là một
trọng tội và bị luật tục trừng phạt một cách nặng nề, ngoài ra những trường hợp
ly hôn thì phải được chủ làng chấp thuận.
Luật Tục Bắt chồng của người K'Ho
Về vấn đề quan niệm, phong tục tập quán: Người
K’ho tin rằng mọi mặt đời sống của mình đều có các thế lực siêu nhân quyết
định, tín ngưỡng truyền thống của người K’ho, có nhiều điểm tương đồng với tín
ngưỡng của cư dân bản địa Lâm Đồng (dân tộc Mạ, K’ho, Churu). Cư dân K’ho tin
vào hệ thống các thần linh mà họ gọi là Yàng.
Yàng (cư dân người K’ho thường gọi
là trời hay là thần), danh sách các Yàng không ai có thể
nắm đủ, nhưng khá nhiều chủ yếu là các thiên thần, các phúc thần, các thần nông nghiệp. Đó là Yàng
brê (Yàng bri) - thần rừng, Yàng bnơm (Yàng Vơnơm) -
thần núi, Yàng ù hoặc Yàng tiăh - thần đất, Yàng kòi, (Yàng
koi, Yàng kue) - thần lúa, Yàng hìu - thần nhà, Yàng măt tơ ngai
- thần mặt trời...
Trong danh sách các Yàng thì có một vị là
N’DU (đọc là Nờ Đu), có khi được gọi là K’ĐU hay K’NĐU. Theo huyền thoại
thì đó là một trong những vị thần sáng tạo bầu trời, mặt trời, trăng, sao...
Mặc dù N’ĐU là vị thần tối cao nhưng trong các dịp tế lễ người K’ho ít cầu đến
vị thần này mà thường cầu xin những vị thần tấp hơn. Do đó N’ĐU là thần tối
cao, tượng trưng cho sự an lành nhưng không gần gũi với người K’ho bằng những
vị thần khác ở ngôi vị thấp hơn.
Đối nghịch với thần là những ma quỷ (Chà),
luôn luôn gây ra những tai nạn cho con người như phá hoại mùa màng, gieo các
bệnh tật, mục tiêu chính của Chà là làm hại con người. Người K’ho tin
rằng chính Chà là kẻ ‘’ăn linh hồn’’ người chết.
Trong tín ngưỡng của người K’ho, cư dân tin rằng
ngoài thế lực Yàng và Chà còn có nhiều vật thiêng khác
đáng tôn thờ vì chúng có thể mang lại may rủi cho con người.
Do đời sống kinh tế của người K’ho cơ bản dựa
vào nông nghiệp cho nên những lễ nghi liên quan đến việc làm rẫy, làm ruộng là
những lễ nghi quan trọng nhất và được tiến hành thường xuyên nhất. Một số lễ
nghi nông nghiệp của người K’ho như: Kơn’ ràk chi - Cúng phát rẫy, R’nuăl
ồs - Cúng sau khi phát rẫy xong, Duh Khoai Dơng Lễ cúng khi lúa, bắp sắp trổ đòng, Woàk
rồch mbô, kòi - Cúng lúa, bắp về nhà.
Những hiện tượng tín ngưỡng đa thần như trên phổ
biến và thống trị trong xã hội người K’ho. Nhưng bên cạnh đó đã thấy xuất hiện
những bộ phận dân chúng tin theo những tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào như
thiên chúa giáo và Tin lành...
Từ sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, người
K’ho ở Lạc Dương đã có nhiều biến đổi khá cơ bản, nhân dân lao động đã đấu
tranh quyết liệt và thoát dần sự chi phối của bọn phản động trong tôn giáo, ra
sức xây dựng đời sống mới: Thực hiện chủ trương định canh, định cư của Đảng và
nhà nước. Ngày nay, vùng người dân K’ho đã lập được an ninh trật tự vững chắc,
chính quyền nhân dân được cũng cố, đời sống kinh tế nhất là văn hoá, giáo dục,
y tế trong những năm gần đây đang được phát triển nhanh chóng, ngày một giàu
đẹp hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét