Nhạc cụ truyền thống dân tộc K' Ho gắn liền với
tự nhiên về mặt chất liệu và mang tính tượng trưng về phương diện nhạc học .
Nhạc cụ dân tộc K' Ho
cũng như các dân tộc Tây Nguyên khác là "sản phẩm tinh thần của những dân
tộc sống bằng nền nông nghiệp nương rẫy trong một xã hội tiền giai cấp. Nó thể
hiện mối quan hệ giữa con người với thế giới siêu nhiên, sự gắn bó giữa cá nhân
và cộng đồng trên cơ sở tự nguyện"1.
Cho đến lúc này, các nhà
nghiên cứu thuộc lĩnh vực dân tộc học và âm nhạc học, đều cho rằng: ở cộng đồng
người Kơ Ho có không dưới 25 loại nhạc cụ truyền thống. Sau đây chúng tôi sẽ
khảo sát một số nhạc cụ tiêu biểu và trình bày theo các nhóm(bộ). Bộ gõ còn
được gọi là "họ nhạc cụ tự thân vang"2 . Nhạc cụ thuộc bộ gõ có
mặt ở hầu hết các dân tộc khác ở Việt Nam . Nhạc cụ thuộc bộ gõ của dân
tộc Kơ Ho Lâm Đồng phổ biến là đàn đá(lúr
goòng), cồng chiêng (ching
droòng), trống (sgơr) và
đàn gió (poh kroc).
1.1 Lúr goòng (đàn
đá)
Lúr goòng là một loại
nhạc cụ khá phổ biến ở Tây Nguyên. Đàn đá có chất liệu là đá tự nhiên, được ghè
đẽo theo một quy định nhằm tạo ra âm thanh theo yêu cầu của con người.
Năm 1980, dân Đạ Long (Lạc
Dương) cung cấp cho Bảo tàng Lâm Đồng bộ đàn đá gồm 7 thanh. Đầu năm 1998, một
bộ đàn đá 6 thanh đã được một người dân làm rẫy ở Di Linh - địa phương có người
Kơ Ho cư trú tập trung nhất - phát hiện. Bộ đàn đá vừa mới phát hiện này hiện
đang được Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ.
Giống như đàn đá của các
dân tộc Tây Nguyên khác, đàn đá của người Kơ Ho Lâm Đồng được sắp xếp theo trật
tự từ lớn đến nhỏ. Mỗi thanh đàn là một cao độ. Thanh lớn nhất có cao độ thấp
nhất và cao độ cao nhất thuộc về thanh nhỏ nhất. Cũng như nhiều loại nhạc cụ tự
thân vang, đàn đá của người Kơ Ho mang tính định âm.
1.2 Cing, kuong (chiêng,
cồng):
Giống như nhiều dân tộc
khác ở Tây Nguyên trong phân biệt chiêng có núm với chiêng bằng, người Kơ Ho
Lâm Đồng gọi chiêng là "chinh" hay "chiang", gọi cồng là
"kuong". Chiêng (còn được viết là "cing") là những cái
có kích thước nhỏ, không có núm. Cồng (kuong) là những cái to, có núm.
Cũng như đàn đá, chiêng
là nhạc khí tự thân vang, mỗi chiếc là một cao độ. Chất liệu tạo nên loại nhạc
cụ này chủ yếu là đồng (nếu chất liệu đồng có pha vàng là loại chiêng quý).
Chiêng có hình tròn. Đường kính của cái lớn nhất có thể lên tới hơn 60cm, cái
nhỏ nhất không đến 20cm. Bộ chiêng phổ biến nhất trong cộng đồng người K'Ho Lâm
Đồng là giàn chiêng được biên chế 6 chiếc có tên gọi từ lớn tới nhỏ là Chiang
Me, Rđơm. Dờn, Thoòng, Thơ và Thê (tài liệu của Jacques Dournes ghi là Ching
Me, Rơlul, N’đơn, Tru, Ran và Kon).
Tấu chiêng (trun ching) là một sinh hoạt cộng đồng mang tính văn hóa của người K'Ho. Tùy vào nội dung và tính chất cuộc vui và người K'Ho sử dụng hình thức tấu chiêng sáu (ching droòng), chiêng ba (ching per) hoặc chiêng hai (ching du). Droong yang là hình thức tấu chiêng phổ biến nhất trong cộng đồng người K'Ho. Cộng tác viên cho biết bài bản của chiêng gồm "36 nhịp đánh khác nhau", nhưng đến lúc này, ít có người K'Ho nào nhớ đầy đủ 36 nhịp ấy 3. Chỉ biết rằng trong các buổi sinh hoạt mang tính giao lưu tình cảm thì người K'Ho thường sử dụng các bài chiêng trữ tình như "Tìng ngàn", "Tìng ching K'Ho’Kiêu đăm Tru", "Tìng Brut", "Tìng slơt"... Còn trong các buổi lễ thì họ thường dùng các bài "Rơ glùng", "Chờng gôồng", "Thôồng Wài", "Wrơ chsất", "Per dớh"...
Khi tấu chiêng (trun
ching), nếu là ching droòng thì 6 nhạc công dàn thành hình vòng cung, người hơi
khom, vai trái đeo chiêng, bàn tay trái giữ mặt trong chiêng, tay phải đánh
chiêng ở mặt ngoài. Người tấu chiêng Me (ching me) giữ vai trò "nhạc
trưởng" thường là người già (chủ nhà, chủ hộ, chủ nhóm...) có nhiều kinh
nghiệm trong đánh chiêng và được mọi người tôn trọng. Trong các bài bản, ching
me bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo.
1.3 Sgơr (trống)
Trống là nhạc cụ có màng
rung, có mặt ở hầu hết các dân tộc. Trống gồm tang trống và mặt trống.
Mặt trống được bọc bằng da súc vật. Tang trống được làm bằng gỗ theo dạng
phình đều ở giữa hoặc thẳng. Tang trống gồm nhiều thanh gỗ đều nhau ghép lại
với nhau theo hình tròn. Các loại trống chỉ bịt một mặt nhưng phổ biến vẫn là
loại trống được bịt cả hai mặt. Khi vỗ vào mặt trống. Một âm thanh sẽ được phát
ra. Cũng có loại trống được cấu tạo theo kiểu thắt lại ở giữa và phình ra ở hai
đầu (như trống của người Cao Lan ở phía Bắc), nhưng loại trống này không phổ
biến.
Người ta đánh trống bằng nhiều cách như dùng dùi gỗ, dùng bàn tay gõ, dùng cả cùi tay để vuốt. Cách diễn tấu cũng rất phong phú, có thể dùng tay trái phụ giúp để ngắt âm hoặc rung âm. Trống có thể độc tấu nhưng cũng có thể hòa tấu với dàn nhạc.
Trống (sgơr) của người
K'Ho có kích thước không lớn như trống của nhiều dân tộc khác. Chiều cao trung
bình của trống K'Ho chỉ vào khoảng 40 cm, đường kính mặt trống bình quân 20 cm.
Tuy nhiên, ở người K'Ho và một số dân tộc khác ở Lâm Đồng, nét độc đáo của loại
nhạc cụ này là trống độc mộc. Nếu trống của các dân tộc khác gồm nhiều thanh gỗ
khép lại thì trống của người K'Ho chỉ có một thanh cây gỗ (thường là gỗ quý)
được đẽo tròn đều, rồi cắt khúc ra khoét rỗng ruột. Tuy nhiên, loại trống này
ngày nay không còn phổ biến.
Người K'Ho Lâm Đồng
thường dùng trống trong các buổi săn bắn tập thể. Trống cũng được dùng để báo
hiệu với mọi người về giặc giã, thiên tai, hỏa hoạn. Trong những cuộc vui,
trống là "nỗi lòng" của lũ làng khi muốn thể hiện bằng một loại hình
nghệ thuật đặc sắc là âm nhạc. trong dàn nhạc hợp tấu, trống đóng vai trò giữ
nhịp. Người diễn tấu sgơr trong dàn nhạc thường là các pô hiu (chủ nhà).
1.4 Poh kroc (đàn
gió)
Gọi là "đàn"
nhưng poh kroc thực chất là một nhạc cụ bộ gõ chứ không thuộc bộ hơi tuy nó vẫn
lợi dụng sức gió để vận hành. Nhận định này là có cơ sở nếu xét đến cấu tạo,
tính năng công dụng của poh kroc.
Poh kroc được làm hoàn
toàn bằng tre nứa hoặc lồ ồ. Có một bộ phận cánh quạt (gồm 6, 8, 10 hoặc 12
cánh làm bằng tre nứa hoặc lồ ô) để hứng gió. Cánh quạt được gắn liền với một
ống nứa thông qua một cái trục dài bằng chiều dài từ cánh quạt đến cuối ống
nứa. Trục xoay gắn liền với thanh tre đứng có khoét ngoàm (để gá trục xoay).
Thanh tre đứng nối cố định với thanh tre vót tròn dọc theo ống nứa ở phía bên
trên. Đoạn giữa ống nứa, người ta cắt bỏ một mảng thân ống để làm lỗ phát âm.
b) Bộ hơi:
Nhạc cụ thuộc bộ hơĩ của
người K'Ho phổ biến là khèn bầu 6 ống (mboăt), sáo bầu 3 lổ (prê), đàn môi
(tôồng) và khèn sừng trâu (ke nung và knộc).
Mboăt (khèn bầu 6 ống) :
Trong những nhạc cụ
thuộc nhóm hơi của người K'Ho, mboăt là một đại biểu sáng giá. Mboăt gồm một
qủa bầu khô và 6 ống trúc thoát hơi xuyên qua qủa bầu khô, được kết dính bằng
một lọai mủ cây rừng. Nếu đàn đá và chiêng chỉ được sử dụng trong các dịp
lễ hội thì mboăt không bị sự ràng buộc như thế mà hầu như có mặt ở mọi lúc, mọi
nơi .
Để có được một chiếc
mboăt, công sức của nghệ nhân bỏ ra không ít. Trước hết người ta chọn một quả
bầu thật già (ling) và tròn đều hái đem về nhà vùi trong đất nhão để cho ruột
bầu rữa ra. Sau đó vớt quả bầu lên, moi hạt bên trong ra theo lỗ cắt của cuống bầu.
Tiếp tục đem qủa bầu rỗng ruột ra phơi và làm sạch bằng nước lã cho đến khi
không còn mùi hôi. Kế đến là công đoạn khó nhất: cắt ống trúc, khoét lỗ, kiểm
tra âm. Khoét lỗ quả bầu, gắn ống trúc thành hai hàng (trên 4 ống, dưới 2 ống).
Lấy mủ cây rừng kết cố định các ống trúc vào qủa bầu.
Cách sử dụng khèn 6
ống: thổi hơi vào cuống bầu. Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp
út của tay trái giữ lỗ thoát hơi của ống trúc hàng trên. Ngón trỏ và ngón giữa
của tay phải giữ lỗ thoát hơi của 2 ống trúc hàng dưới. Nguyên tắc cấu tạo của
mboăt là ống dài cho âm thấp và ống ngắn sẽ cho âm cao. Các ống thứ tự từ dài
đến ngắn (từ âm thấp đến âm cao) được gọi tên theo ching doòng là me, rđơm,
dờn, thoàng, thơ và thê.
Mboăt chỉ có một người
sử dụng. Nó có thể chỉ độc tấu hoặc hợp tấu cùng với chiêng và trống. Nếu
chiêng khi tấu phải cần sự nhịp nhàng và "thuộc bài"của nhiều người
thì với mboăt, người biểu diễn cần phải nhịp nhàng và "thuộc bài" của
6 ngón tay. Mboăt được thổi ra và hít vào như kèn hacmonica.
Khèn bầu 6 ống được
người K'Ho gọi là mboăt, người Mạ gọi là mbuot, người Chu
ru gọi là laket. Mboăt rất thông dụng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số K'Ho
, Mạ, Stiêng, Churu, Raylai, Lạch, Chil... ở Lâm Đồng. Điều đáng lưu ý là,
trong cộng đồng các dân tộc thuộc ngữ hệ Môn - Khơme, chiếc khèn bầu 6 ống
giống nhau cơ bản về chế tạo, cách sử dụng và đặc biệt là giống nhau về nhạc
học, tức là cũng có ống "rđơm" không nằm trong hệ thống bình quân
luật về mặt âm thanh.
Prê (sáo bầu 3 lỗ):
Prê là một qủa bầu có kích
thước nhỏ hơn quả bầu của khèn bầu 6 ống. Cách làm prê cũng như làm kèn bầu 6
ống. Điều khác hơn là, ở prê chỉ có một ống trúc đâm xuyên qua qủa bầu. Trên
ống trúc duy nhất này được khoét 3 lỗ thoát âm. Phần ống trúc phía bên
trong qủa bầu, người K'Ho khoét một rãnh rộng có gắn một chiếc khày kala (lưỡi
lam bằng tre hay nứa) để nhận âm thổi từ cuống bầu. Sáo prê chỉ có 3 lỗ thoát
âm nhưng thổi được 5 âm. Năm âm đó là Sol - La - Si - Do - Ré.
Âm thanh của prê nghe
trong hơn so với mboăt. Cũng như mboăt, sáo prê được sử dụng một cách
rộng rãi. Prê được sử dụng trong các buổi tiệc vui và cả những lúc con người ta
cảm thấy buồn chán. ở đây, prê mang tính "cá nhân" hơn so với các loại
nhạc cụ khác là ở chỗ: khi con người ta có điều gì buồn chán hoặc rất hứng khởi
nhưng không có người chia sẻ thì chiếc prê là người bạn thổ lộ tâm tình của
người có tâm trạng nói trên. Nhờ đó mà prê rất được nhiều người, nhất là thanh
niên ưu thích. Thanh niên nhờ vào 5 âm của chiếc prê để tâm sự nỗi niềm của
mình. Người già dùng prê để gợi nhớ một thời trai tráng. Đàn ông dùng prê để
chứng tỏ hào hoa, lịch thiệp của giới mình. Đàn bà dùng prê để nói rằng phụ nữ
K'Ho cũng đảm đang không kém so với phụ nữ các dân tộc khác.
Tôồng (đàn môi):
Đàn môi (tôồng) của
người K'Ho là một nhạc cụ khá phổ biến. Khung đàn môi là một đoạn nhôm (hoặc
đồng) được uốn cong, nhỏ đều về phía 2 đầu. Đoạn rãnh ở giữa được gắn một chiếc
lam không cố định. Dầu lưỡi lam gắn vào cục sáp ong (pịt).
Cách thổi đàn môi: Ngậm
đàn vào khoang miệng, lưỡi kết hợp với hơi thổi tác động vào chiếc lam, kết hợp
với ngón tay trỏ hoặc giữa của bàn tay phải " gảy" vào chiếc lam.
Chiếc lam nhờ có độ đàn hồi nên phát ra được âm thanh.
Âm thanh của tôồng nghe
nhỏ nhẹ , trong sinh hoạt giao lưu giữa các thanh niên nam nữ K'Ho, tôồng là
một phương tiện tỏ ra rất hữu hiệu. Tôồng là một công cụ "bỏ túi" của
các chàng trai K'Ho khi được bạn gái hoặc người yêu để mắt đến. Khả năng
sử dụng tôồng là một trong những tiêu chí để con gái K'Ho chọn bạn đời trăm năm
của mình. Hầu như rất ít người trong cộng đồng dân tộc K'Ho Lâm Đồng không biết
sử dụng khèn môi. Tôồng của người K'Ho có tác dụng giống như chiếc sáo Mèo của
người H’Mông vậy. Thường vào những đêm thanh vắng người con trai K'Ho (tuy
không chủ động trong hôn nhân) lấy khèn môi đến gần nhà người con gái mà anh ta
để ý để thổi. Tiếng khèn môi nói hộ cho người con gái ấy rằng anh ta rất muốn
cô gái bắt mình về làm chồng theo luật hôn nhân của người K'Ho. Tiếng khèn môi
của chàng trai cứ thể tỉ tê hết đêm này đến đêm khác, đến khi nào cô gái ‘đáp
lời’. Nếu cô gái ưng ý thì cô ta lấy khèn môi của mình ra và đáp lời. Đáp lời
xong, cô gái ra khỏi nhà và cùng với chàng trai đưa nhau đến một nơi thanh vắng
nào đó để tâm sự.
Đàn môi gần như không có
các bài bản cố định, thổi (hoặc gảy đàn môi) là tùy hứng của người sử dụng. Nếu
là người đang vui thì âm thanh của đàn môi nghe rục giã, thánh thót hơn. Ngược
lại, nếu buồn, tiếng đàn môi nghe lê thê, da diết, thâm u hơn.
Đàn môi (tôồng) còn rất
gần gũi với chiếc đàn lá (hay là đàn gió) của người K'Ho. Đó là mội loại nhạc
cụ rất đơn giản: gồm hai chiếc lá cây, một cọng cỏ làm lưỡi lam, ghép hai chiếc
lá vào nhau sao cho có lỗ thoát âm ở giữa, đưa vào miệng để thổi. Với loại đàn
này, hơi là yếu tố chính để tạo ra âm thanh.
Kenung và Kuộc (khèn
sừng trâu):
Kenung và kuộc là nhạc
cụ khá độc đáo của nhiều dân tộc miền núi, trong đó có dân tộc K'Ho ở Lâm Đồng.
Khèn sừng trâu của người K'Ho Lâm Đồng có hai loại, loại lớn gọi là kenung và
loại nhỏ gọi là kuộc.
Kenung là một chiếc sừng trâu lớn, gần như nguyên vẹn, được vạt đầu nhọn để kê miệng thổi. khi thổi, áp lực của môi kê trên miệng kenung cần được thay đổi để tạo ra những âm thanh khác nhau. Kuộc là một đoạn của chiếc sừng trâu dài từ 15 - 20cm. ở phía đầu lớn của sừng, người Kơ Ho dùng sáp ong bịt 1/3 - ở miệng sừng lại để hơi được tập trung hơn. ở phía đầu nhỏ, nguời ta khoét một rãnh nhỏ và đặt vào đó chiếc lam mỏng bằng tre. Khi thổi, tay trái bịt kín, mở hết hoặc một phần phía lỗ ở đầu nhỏ để tạo ra âm thanh thời tạo áp lực của môi lên lỗ thổi có đính lam để cho ra những âm sắc khác nhau.
Khèn sừng trâu (kenung
và kuộc) của người K'Ho thường được sử dụng vào những dịp lễ lớn có tính cộng
đồng và có giết trâu tế thần. Với quan niệm vạn vật hữu linh, người K'Ho cho
rằng kenung và kuộc được Yàng thổi linh hồn mình vào đó. Cho nên người dân K'Ho
không được phép sử dụng kenung và kuộc một cách bừa bãi. Mặt khác, người K'Ho
còn cho rằng khèn sừng trâu cũng chính là linh hồn của con vật được đưa ra cúng
Yàng nên nó cần được sử dụng và bảo quản với một thái độ rất trân trọng của con
người.
Cũng như trống (sgơr),
kenung và kuộc của người K'Ho có âm không định hình. Khi thổi khèn sừng trâu,
một âm thanh trầm hùng, rền rĩ vang vọng khắp trốn núi rừng. Cho nên kenung còn
có nghĩa là "sừng vang to". Chính vì đặc điểm này nên khi bắt đầu vào
làm lễ đâm trâu, người K'Ho dùng kenung báo hiệu cho Yàng và các thần linh biết
để về chung vui với dân làng.
c. Bộ dây
Trong cộng đồng người
K'Ho ở Lâm Đồng, phổ biến nhất vẫn là các nhạc cụ thuộc bộ gõ và bộ hơi. Trong
khi đó thì các nhạc cụ thuộc bộ dây xem ra rất thiếu vắng. Trong các nhạc cụ
thuộc bộ dây của người K'Ho, chiếc đinh dựt (hay đinh kliak) là tiêu biểu nhất.
Theo tiếng K'Ho,
"đinh" có nghĩa là "ống", "dựt" (hay
"kliak") có nghĩa là "gảy đàn". Đinh dựt gồm một ống tre
(hoặc nửa) già và hai đầu được bịt kín tự nhiên (nguyên một lóng tre). ở giữa
lóng tre, người ta khoét một rãnh thoát âm. Hai bên rãnh thoát âm, người ta
khéo léo tách cật tre thành 6 sợi từ lớn đến nhỏ, từ dày đến mỏng căng lên
những "con ngựa" (kơ nal) ở hai đầu. 6 sợi dây này cũng có tên gọi từ
lớn đến nhỏ, từ âm thấp đến âm cao là Vàng (Me), Rđơm, Dờn, Thòng, Thơ và Thê
như tên gọi của bộ chinh droòng và tên gọi của 6 ống của khèn mboăt.
Âm thanh của đing dựt
(đing kliah) nghe trầm ấm như sự thu nhỏ của đàn chiêng 6 chiếc (ching droòng)
. Thang âm của đing dựt và thang âm của ching droòng và thang âm của mboăt nên
hầu như tất cả các bài bản của ching droòng và của mboăt cũng đều tấu bằng đing
dựt. Nếu ở ching droòng phải cần đến 6 nhạc công, mỗi người phụ trách mỗi
chiêng thì ở đing dựt (và cả mboăt) chỉ cần một nghệ nhân là đủ.
Người K'Ho Lâm Đồng sử
dụng đing dựt ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi trạng thái tình cảm. Trong đó, vào
những lúc chiều tối đi làm rẫy về, đàn ông thường lấy đing dựt ra gảy (như chơi
ghita của người phương Tây và người Việt vậy). Nhờ gọn nhẹ, dễ mang theo người
nên người K'Ho thường đưa đing dựt lên rẫy để gảy những khi mệt mỏi. Trong các
lễ hội vui từ nhỏ tới lớn, người K'Ho có thể sử dụng đing dựt. Thường thấy nhất
là vào các buổi tối uống rượu cần với quy mô nhỏ (gia đình, vài ba gia đình ,
một nhóm người...), người Kơ Ho hay sử dụng đing dựt như một công cụ trung gian
trong cuộc giao lưu tình cảm giữa người với người.
Với người K'Ho, bộ chiêng, khèn sừng trâu được thần thánh hóa thì ở đing dựt (đing kliah) không có yếu tố này. Người K'Ho xem đing dựt như là một vật dụng bình thường như con dao, cái xà gạc... vậy.
Những năm gần đây, người
K'Ho thường dùng dây kẽm thay cho dây bằng cật tre (vì dây bằng cật tre dễ
đứt). Sáu dây kẽm trong chiếc đing dựt cũng được lên dây như 6 dây tre (thang
âm ching droòng và thang âm mboăt).
Nhìn chung, nhạc cụ cổ
truyền dân tộc K'Ho là sản phẩm của một nền nông nghiệp lúa rẫy. Người K'Ho từ
lâu đã biết sử dụng những chất liệu có sẵng trong thiên nhiên để làm nhạc cụ
phục vụ cho đời sống của mình. Trong nhạc cụ cổ truyền dân tộc K'Ho, có loại
đóng vai trò là linh khí (cồng chiêng, khèn sừng trâu...) nhưng cũng có loại
như là những công cụ bình thường (đing dựt, mboăt...). Về mặt âm nhạc, thanh âm
của nhiều nhạc cụ từ bộ gõ, bộ hơi đến cả bộ dây đều khá thống nhất. Đây là
điều rất đặc biệt của dân tộc K'Ho Lâm Đồng (điều đặc biệt này còn có ở một dân
tộc rất gần gũi với người K'Ho là người Mạ). Trong các nhạc cụ thuộc ba bộ gõ,
hơi và dây thì nhạc cụ thuộc bộ gõ phổ biến nhất, xuất hiện sớm nhất và đa dạng
nhất.
Tác giả: VÕ KHẮC DŨNG
hay
Trả lờiXóa