Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Có một thị trường thổ cẩm



Hãy cứ đến những nhà hàng, khách sạn có phục vụ người nước ngoài tại Đà Lạt chúng ta khắc biết sức sôi động của mặt hàng này (tuy nhiên ở vùng khai sinh ra nó đang báo động mai một - đây lại là một bình diện khác). Thổ cẩm được mang vào phục vụ khách ngay tại bàn ăn. Chúng tôi đã nhiều lần tận mắt chứng kiến cảnh ngoại khách bỏ ăn đứng lên lấy cho mình một tấm thổ cẩm, ngắm nghía, tung ra, quấn quanh người rồi nở nụ cười lý thú kỳ lạ. Thổ cẩm thôi miên họ? 

THƯƠNG GIA THỔ CẨM LÀ AI?

Một cái gùi để đựng, một trang phục may bằng chính loại vải người ta đang bán, họ mang đi khắp các đường phố trung tâm Đà Lạt. Theo thống kê của chúng tôi, hiện tại Đà Lạt có khoảng 25 người chuyên dạo bán. Dù bán lưu động nhưng khách muốn mua có thể tìm gặp họ dễ dàng. Tiện nhất là khu Hòa Bình
Đại đa số thương gia thổ cẩm là người của dân tộc có thổ cẩm lưu hành tại đây: Chàm, Mạ, Lạch, K'Ho... đông nhất là người Chàm. Trước đây người ta dệt rồi tự mang đi bán. Trung bình một tấm thổ cẩm hoàn hảo phải qua 7-9 ngày, nếu loại dùng để cưới hỏi, lễ hội, đòi hỏi gia công nhiều hơn. Đôi khi nuốt trọn cả tháng. Bấy giờ người ta gom lại đôi ba cái rồi mang lên Đà Lạt đổi gạo, mua sắm. Hôm nay đã khác. Cái kiểu mang để đổi gạo, thực phẩm không còn phổ biến. Thổ cẩm chuyển sang khía cạnh thương mại. Trong các buôn làng xuất hiện các thương gia chuyên mua gom hàng thổ cẩm của dân tộc mình để bán lại kiếm lời. Thậm chí, các thương gia đặt hàng cho người ta dệt. Các cánh người Chàm có cả hợp đồng giao trong tháng. 
Trong số trên 20 người bán mặt hàng này tại Đà Lạt, chiếm phần nửa là người Chàm. Theo tương truyền thì người Chàm rất rành về thương mại. Họ từng là chiếc cầu nối hàng hóa giữa các dân tộc thiểu số Nam Tây nguyên. Hiện nay họ đến từ Phan Rang (vùng Chung Mỹ) Ninh Thuận. Bên cạnh số đông thương gia người thiểu số thì gần đây cũng thấy xuất hiện một số người Kinh buôn hàng này. Tuy nhiên, dù cho họ là người dân tộc nào đi nữa cũng đều phải dùng gùi để gùi hàng. Để bán "chạy" tốt nhất, nên khoác trên mình một trang phục bằng thổ cẩm truyền thống, một cái gùi và có một làn da đen. 
Những thương gia này nằm dầm ở Đà Lạt; hàng được dự trữ khá nhiều, ít ra đủ bán trong một tháng. Lãnh địa của họ là nhà nghỉ Tuyết Mai (NVT), Lữ Quán La Tuylip và một số ít đóng ở căn nhà ván thuê bao ở đường Bà Triệu. Họ quy cả về đây. Các khách "ghiền" thổ cẩm thường được dẫn tới những địa chỉ này.  

SỰ SÔI ĐỘNG CỦA MỘT MẶT HÀNG

Các thương gia thổ cẩm đều "thủ" một cuốn album, trong đó ghi lại từng khâu để cho ra đời một tấm thổ cẩm. Để khách hình dung được công việc dệt thứ vải này - sản phẩm được làm bằng tay - BY-HAND. Chẳng hạn, hình ảnh của một thiếu nữ đang ngồi dệt, bên cạnh khung dệt thô sơ, với bộ vú hoang dã trễ xuống. Bên cạnh đó còn có hình ảnh về ngôi nhà sàn của người thiểu số. Khách hàng ngoại quốc ham thích chất nguyên sơ rừng núi giữa con người và phẩm vật. Rõ ràng người mua vì tính văn hóa thuần tự nhiên nơi tấm thổ cẩm. By hand... By hand, có ngoại khách vì hai tiếng đó mà mua đến 4-5 tấm. Những người "sộp" còn "giúp" người bán một ít tiền. Hỏi vì sao mua nhiều như thế, họ cho rằng về khoe với bạn bè bên đó - Qua Việt Nam họ sưu tầm được một vật lạ! 
Hiện tại mặt hàng này chỉ có người ngoại quốc mua nhiều. Việt kiều về thăm nước cũng mua để qua bên kia làm quà. Một khó khăn của người bán là ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Người bán thường phải múa máy tay chân đủ kiểu, khách mới hiểu. Có người không biết tý ngoại ngữ nào cứ luôn miệng "by hand" khi thấy khách. Chúng ta cũng ít nhất một lần mục kích "thương gia" nọ tiếp thị bằng cách vừa lôi khách vừa giơ tập ảnh kia lên... đôi khi đó lại là những chi tiết thú vị cho khách? 
Đà Lạt là đất "sống" được, nên nhiều thổ cẩm quy tụ về đây. Hàng của người chàm thì mềm mại, thanh tao (loại làm bằng lụa), một vài loại khác thì sắc sảo, công phu. Dày và thô - rất "rừng", là hàng người Kơ Ho, Lạch. Hàng của người Mạ rất công phu, ấn tượng, hoa văn tỉ mỉ và có độ dày đáng "nể". Thổ cẩm Chàm tùy từng loại trong thang giá 6-12 USD (hầu hết tính bằng USD). Hàng người Kơ Ho không vượt quá 8 USD. Đặc biệt thổ cẩm người Mạ được ngoại khách chuộng nhất, có loại tới 16 USD/tấm. Phổ biến vẫn là loại từ 8-10 USD. Nếu người Anh, Đức, Bỉ thích thổ cẩm dân tộc Mạ, Kơ Ho thì người Hà Lan, Nhật chuộng hàng người Chàm hơn. 
Hàng được bán từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm chỉ khi nào khách không còn đi dạo họ mới rút. Ban ngày người ta bày bán ở quanh khu Hòa Bình, các điểm tham quan du lịch. Chiều tối họ quay về tới các nhà hàng khách sạn có người ngoại quốc ăn ở như Anh Đào, Mimôza, Hải Sơn, Phú Hòa, dọc đường PĐP... thấy mặt này có khả năng tiêu thụ, gần đây một số khách sạn cũng trưng bày thổ cẩm để bán. Tuy vậy, tâm lý của khách vẫn muốn mua những tấm thổ cẩm từ chính tay người thiểu số làm. Một số người chạy xe ôm chở Tây cho biết, có khách sau khi mua được một ấm vải "by hand" tại Đà Lạt, buộc họ chở đi tới K'Long B - Đức Trọng nơi làm ra nó để chụp một tấm hình. Có người khách táo bạo đòi mua ngay cả chiếc váy người thiếu nữ đang ngồi dệt mặc! Với chúng ta có thể tự hào về lòng sủng ái của người nước ngoài cho một mặt hàng dân tộc. 

... VÀ XIN CÓ LỜI GỢI MỞ 

Thật sự, ở đâu không biết, nhưng ngay tại Đà Lạt này hàng thổ cẩm ít nhiều khẳng định được giá trị của mình - một thứ hàng chỉ tính bằng đô la. Dẫu với mức giá như hiện nay là chưa thể xứng đáng với công sức người làm ra nó. Song, ít ra hàng thổ cẩm ở đây đã đóng một vai trò một món hàng lưu niệm du lịch khá ý nghĩa mà chỉ phổ biến được ở du lịch Đà Lạt. Với xu thế phục hồi và phát triển bằng giao lưu văn hóa dân tộc như hiện nay, hy vọng hàng thổ cẩm sẽ có một thị trường lớn mạnh nay mai. Lúc đó thổ cẩm sẽ đứng bên hàng dệt cao cấp trong cuộc trình diễn chung mà không luống cuống, tự ti. Nên chăng mở một cửa hàng chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm làm từ thổ cẩm ngay tại thành phố này. 

HOÀN TÌNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét