Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Đôi nét về Huyện Lạc Dương



Huyện Lạc Dương nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15 km. Huyện có địa giới hành chính như sau:
- Phía Đông giáp tỉnh Khánh Hoà.
- Phía Tây giáp huyện Đam Rông.
- Phía Nam giáp thành phố Đà Lạt huyện Đơn Dương.
- Phía Bắc giáp tỉnh Đắc Lắc.

Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 130.963 ha. Trong đó diện tích đất Lâm nghiệp là 117.634,4 ha, đất Nông nghiệp là 4.765 ha, còn các đất khác là 8.438,4 ha.

Về địa hình: Địa hình huyện Lạc Dương được chia ra làm 3 dạng địa hình chính:

- Dạng địa hình núi cao: khu vực có độ dốc lớn (trên 20o), có độ cao 1.500 - 2.200m so với mực nước biển, chủ yếu có nguồn gốc xâm nhập Jura - creta (granite - dacite...), hoặc các trầm tích (phiến sa, phiến sét...) chiếm khoảng 80 - 85% diện tích tự nhiên toàn huyện, hầu hết diện tích ở dạng địa hình này là rừng đầu nguồn nước hệ thống sông Đa Nhim nên cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

- Dạng địa hình đồi núi thấp đến trung bình: các dải đồi hoặc các núi ít dốc (dưới 20o) có độ cao trung bình 1.500m. Ở dạng địa hình này phần lớn có nguồn gốc phun trào Bazan với đất nâu đỏ chiếm 8 -10% tổng diện tích đất toàn huyện, phân bố tập trung ở khu vực phía nam. Khả năng sử dụng tùy thuộc vào độ dốc, tầng dày. Khí hậu và điều kiện có thể chuyên canh cây công nghiệp lâu năm (như cây cà phê...).



- Dạng địa hình thung lũng: Diện tích chiếm khoảng 2 - 3% diện tích đất toàn huyện, phân bố ven các sông, suối lớn, có độ cao so với mực nước biển từ 850 - 1.500m, độ dốc phổ biến từ 3 - 8o hầu hết diện tích thuộc dạng địa hình này là các loại đất phù sa và dốc tụ, nguồn nước dồi dào, tạo diều kiện cho việc phát triển trồng lúa và hoa màu.

Về khí hậu: Huyện Lạc Dương nằm trong vùng khí hậu ôn đới, có độ cao so với mặt nước biển từ 1.500m đến 1.600m. Nhiệt độ trung bình hàng năm thấp từ 17,5 - 18,3oC, tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất (16,4oC), tháng 5 có nhiệt độ trung bình cao nhất (19,7oC), nhiệt độ ổn định qua các mùa trong năm. Biên độ giao động nhiệt giữa ngày và đêm lớn (9oC), các tháng mùa khô biên độ nhiệt cao từ 11 - 13oC, các tháng mùa mưa biên độ nhiệt giảm còn từ 6o - 7oC. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tổng lượng mưa trung bình hàng năm 1.700 - 1.800mm. Khí hậu ở đây khá thích hợp với các loại cây công nghiệp lâu năm (cây cà phê), cây ăn quả (cây hồng, cây bơ...), các loại rau và hoa quý, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.




Về nguồn nước: Nguồn nước mặt chủ yếu của Lạc Dương gồm 2 hệ thống sông chính là sông Đa Nhim sông Đạ Dâng, ngoài ra còn có một số suối nhỏ nằm rải rác ở các xã trong huyện.

Về thổ nhưỡng: Huyện Lạc Dương có 5 nhóm đất chính:

- Nhóm đất Feralít là loại đất chính ở Lạc Dương có diện tích 102.500 ha chiếm 78,3% diện tích đất tự nhiên.

- Nhóm đất đỏ vàng: có diện tích  là 23.248 ha chiếm 17,8% diện tích đất tự nhiên.

- Nhóm đất dốc tụ: có diện tích là 1.710 ha chiếm 1,3% diện tích đất  tự nhiên.
- Nhóm đất mùn axít trên núi cao: Có diện tích là 1.455 ha chiếm 1,1% diện tích đất tự nhiên.

-               Nhóm đất phù sa sông suối: có diện tích là 1.282 ha chiếm 1% diện tích đất tự nhiên.

Về khoáng sản: Lạc Dương thuộc nhóm huyện không giàu về khoáng sản, các loại khoáng sản chủ đạo của tỉnh Lâm Đồng như: vàng, thiếc, bôxít, đá quý, cao lin, than nâu, điatonit...đều không có ở huyện Lạc Dương, hoặc có (vàng, thiếc) nhưng ở dạng sa khoáng, trữ lượng thấp. Tuy nhiên có thể khai thác sét, đá, cát, đất làm gạch ngói và vật liệu xây dựng cho nhu cầu xây dựng nông thôn.




Về tài nguyên rừng: Rừng huyện Lạc Dương có tính đa dạng sinh học rất cao với thành phần số lượng cá thể các loài rất phong phú.

- Thực vật: Hệ thực vật rừng huyện Lạc Dương điển hình cho kiểu rừng kín thường xuyên mưa ẩm và khá phong phú về chủng loại. Hệ thực vật gồm có 827 loài trong đó có 246 loài cho hoa đẹp và quý, 212 loài cây thuốc, 14 loài cho nhựa, 28 loài cho tinh dầu.


- Động vật: Có 382 loài động vật cư trú, trong đó có 61 loài quý hiếm (25 loài thú, 19 loài chim, 14 loài bò sát, 3 loài lưỡng thê), 10 loài đang bị đe dọa diệt chủng như: bò tót, vượn má hung, gấu ngựa... Rừng ở đây lưu giữ lượng lớn nguồn gien động vật quý hiếm, có giá trị cao trong việc nghiên cứu khoa học nên cần được chú trọng bảo vệ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét